CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Chẳng mất tiền mua, cớ sao không nói lời yêu thương

Sáng chủ nhật (ngày 30/5), đường phố vắng hoe, cửa chùa vắng lặng, tiếng chuông ngân lên, khóa tu Ngày An Lạc online bắt đầu. Sáng chủ nhật, ánh nắng vắt mình trên mấy tấm băng rôn chào mừng mùa Phật đản vừa qua, TT. Thích Nhật Từ giảng về ngôn ngữ từ ái trong đạo Phật. Sáng chủ nhật, tán cây vẫn xanh bước vào giai đoạn giữa hè, Tăng đoàn Chùa Giác Ngộ tiếp tục đọc tụng Kinh Phật căn bản. Sáng chủ nhật, từ đó trở thành khung giờ quen thuộc của quý hành giả “ruột” trong khóa tu Ngày An Lạc và cả quý thiện nam tín nữ gần xa quý mến đạo Phật.

Dân gian có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”; một câu chuyện trong sách giáo khoa lớp 9 truyền tải thông điệp: Hãy viết nỗi buồn, sự hận thù lên cát và khắc ghi ân nghĩa lên đá; theo tâm lý học, con người thường có khuynh hướng ghi nhớ cảm giác mà người khác mang lại hơn là những điều cụ thể, chi tiết;... Lời nói dù theo nghĩa nào (nguyên bản hay lời tâm tư) đều có khả năng gây độc cực mạnh. Vậy cớ sao ta không dùng lời yêu thương, hòa nhã, lời khích lệ, động viên, lời tích cực truyền tải nội dung?

Trong bài giảng lần này, Thượng tọa Trụ trì chia sẻ về cách truyền thông chân chính, truyền thông theo lời Phật dạy. Những ngày vừa qua, các buổi livestream đã quá “hót hòn họt” với bao người. Dĩ nhiên, lựa chọn nghe hay không nghe, xem hay không xem là quyền tự do của mỗi người. Nhưng đáng tiếc thay, lời nói qua lại, lời nói đánh tráo, lời nói không đúng thành lời nói sai. Cái kết cho việc không đúng sự thật là gì thì chắc rằng mỗi người sẽ tự nhận ra. Thế nên, trong “108 lời khấn nguyện” có câu: “Con xin nguyện dùng lời nói ôn hòa, hành động thận trọng để giúp đỡ tha nhân.”

Một trong những mặt trái của truyền thông hiện đại là sự đánh mất đi cái “chân chất” của con người. Vì miếng, vì tiếng mà những lời nói trở nên lươn lẹo, gây ra bao sự tréo ngoe. Một phần cũng do thị hiếu thích độc lạ, đi tìm cái mới của con người trong xã hội thời nay. Dù chỉ là giải trí hay ngầm thể hiện những nội dung bổ ích, người phát ngôn cần nói lời đúng sự thật, lời hòa nhã, lời giúp thúc đẩy sự phát triển của nhiều người,... Đó mới là cách truyền thông theo lời Phật dạy.

Sau bài Kinh giúp khai mở trí tuệ vào lúc 6g45, người tham dự online được lắng lòng trong 2 nhạc khúc du dương mang tên “Con theo chân lý Phật” và “Phật đang trong ta”. Hai bản nhạc này do chính TT. Nhật Từ sáng tác và được trình bày bởi Ban Đạo ca Phật Âm Chùa Giác Ngộ. Buổi ghi hình cho 2 bài hát đã được diễn ra vào ngày 16/5.

Sáng chủ nhật, bằng một cách nhẹ nhàng, hành giả đắm mình trong suối chánh pháp, lặng lẽ mà bình yên. Ấy cũng chính là ý nghĩa mà khóa tu Ngày An Lạc mang lại.

 

Tin: Bảo Tiên

Ảnh: Ngộ Trí Thuận

 
Chẳng mất tiền mua, cớ sao không nói lời yêu thương Chẳng mất tiền mua, cớ sao không nói lời yêu thương Chẳng mất tiền mua, cớ sao không nói lời yêu thương Chẳng mất tiền mua, cớ sao không nói lời yêu thương Chẳng mất tiền mua, cớ sao không nói lời yêu thương
Bình luận