CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Chùa Giác Ngộ: Chuyến hành hương thập tự mùa xuân Tân Sửu

Hành hương vào mùng 2 Tết là hoạt động quen thuộc của Tăng đoàn và Phật tử Chùa Giác Ngộ. Năm nay, vì tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM diễn biến phức tạp nên mãi đến mùng 9 tháng 2 Âm Lịch (ngày 21/03/2021), đoàn hành hương với khoảng 500 người mới bắt đầu chuyến đi.

ĐIỂM ĐẾN ĐẦU TIÊN: CHÙA HỘI SƠN

Tọa lạc tại Quận 9, Chùa Hội Sơn là một trong số các ngôi chùa cổ trên địa bàn TP.HCM. Đây được chọn làm điểm đến đầu tiên của đoàn hành hương Chùa Giác Ngộ.

Trong chuyến đi, TT. Nhật Từ chúc quý Phật tử vài điều nhân dịp mùa xuân; đó là có sức khỏe, trở nên hữu ích từ việc tìm học chân lý Phật và hoàn thiện giá trị bên trong của mình. Qua đó, Thượng tọa khuyến khích mọi người nên đi khám sức khỏe tổng quát ít nhất 2 lần trong năm, cười nhiều, thể dục thể thao và chọn sống trong một môi trường sạch (cả thực phẩm, không khí lẫn tinh thần).

Dịp này, TT. Thích Thiện Hảo – Trụ trì Chùa Hội Sơn chia sẻ: “Thay lời chư Tăng Bổn tự Hội Sơn, kính chúc TT. Nhật Từ có sức khỏe để lèo lái con thuyền chánh pháp. Đồng thời, kính chúc quý Phật tử có sức khỏe, nghị lực và tri thức.”

Được biết, từ đầu năm đến nay, đạo tràng Chùa Giác Ngộ chính là đoàn hành hương đầu tiên đến viếng chùa.

ĐIỂM ĐẾN THỨ HAI: CHÙA KỲ QUANG 4

Tạm biệt Chùa Hội Sơn cổ kính, đoàn hành hương di chuyển đến Chùa Kỳ Quang 4, nằm trên đường Võ Nguyên Giáp, xã Phước Tân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Tại đây, TT. Nhật Từ nhắc lại và phân tích sơ lược 11 điều chăm sóc trâu trong Kinh Tăng Nhất A Hàm như biết cách đưa trâu bò qua sông, thương mến trâu bò, biết được thời nghi, tùy thời chăm sóc,...

Tiếp đoàn hành hương, HT. Thích Thiện Chiếu phát biểu: “Chúng tôi rất xúc động về chuyến hành hương của Tăng đoàn và quý Phật tử Chùa Giác Ngộ!”. Đồng thời, Hòa thượng cũng thành tâm cầu nguyện cho tất cả quý thiện nam tín nữ được đầy đủ 5 phước báu: sức khỏe đầy đủ, trí tuệ sáng suốt, tài lộc như ý, mọi điều thành công, đầy đủ những điều hạnh phúc. Đặc biệt, quý Phật tử cần mang lại những điều hạnh phúc cho mọi người, vâng giữ những điều đạo đức mà chư Tôn đức đã truyền dạy,…

Đáp lại tấm lòng đó, TT. Nhật Từ kính chúc Hòa thượng thân khỏe tâm an, đóng góp nhiều hơn cho việc phát triển đạo Phật Nguyên thủy ở nước ta và công việc nhận nuôi trẻ em mồ côi, bại não.

ĐIỂM ĐẾN THỨ BA: CHÙA BỬU THIỀN

Đoàn xe tiếp tục lăn bánh đến đường Lý Thái Tổ, thuộc thị trấn Long Thành, tỉnh Đồng Nai để ghé thăm ngôi chùa cổ kính với mái ngói và nền gạch đỏ - chùa Bửu Thiền. Tuy nằm trong con đường hẹp nhưng khuôn viên chùa không hề khiêm tốn. Bao quanh chùa là những hàng cây, nào khế, nào cau,… toàn những loại cây tỏa hương thanh khiết, nhẹ nhàng. Tại đây, TT. Nhật Từ giải nghĩa tên chùa: “Bửu Thiền nghĩa là báu vật của thiền.”

Dịp này, Thượng tọa đề cập đến 10 bức tranh chăn trâu của Thiền tông Trung Hoa, khắc họa từ giai đoạn khi chưa có trâu cho đến khi đã đầy đủ trâu: chưa được trâu, tìm dấu vết, thấy được trâu, được trâu, cưỡi trâu, dẫn trâu về nhà, quên trâu nhưng còn người chăn, quên cả người chăn và quên trâu, trở về nguồn cội và tỏa chiếu. 10 bức tranh tương ứng với 10 bước trong quá trình tu của con người. Con trâu là biểu tượng của tâm và mục đồng là người tu.

Thầy Nhật Từ giảng rằng: “Trong Kinh Lăng già của Thiền tông Trung Hoa, có khái niệm “Tâm của con người khi chuyển thành trí thì chính là trở thành đại viên cảnh trí (tức cảnh vật được phản chiếu vào “tấm gương lớn”). Trong khi đó, con người lại phản ánh sự vật, hiện tượng bằng lăng kính chủ quan. Điều đó dễ dàng tạo ra các thành kiến dẫn đến việc phân chia ranh giới giữa bạn và thù. Qua đó, Thượng tọa sách tấn quý Phật tử phải làm chủ các giác quan, đạt được chánh niệm bây giờ và tại đây, dùng các pháp tu để hỗ trợ.

Nhân đây, TT. Thích Lệ Đạt - Trụ trì Chùa Bửu Thiền gửi lời chúc đến đoàn hành hương: “Cầu hồng ân Tam bảo gia hộ cho Thượng tọa và Tăng đoàn pháp thể khinh an, quý Phật tử thì ý nguyện như ý và là vị hộ pháp đắc lực cho Tam bảo. Chúc chuyến đi được mỹ mãn”.

 

 

ĐIỂM ĐẾN THỨ TƯ: CHÙA BỬU QUANG

Tuy không phải rôm rả như nhịp điệu của những ngày Tết nhưng trời tháng ba còn phơi phới hương xuân. Rời chùa Bửu Thiền, đoàn hành hương hướng về tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và dừng lại ở chùa Bửu Quang (Quốc lộ 55, thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ). Được biết, Thượng tọa Trụ trì Chùa Bửu Quang từng tu học tại Thiền viện Vạn Hạnh, dưới sự giảng dạy của TT. Thích Nhật Từ.

Qua câu chuyện về “Pháp tu của Thầy Tỳ-kheo bị trâu húc”, TT. Nhật Từ khuyến khích mọi người tu tập cả nội dung chứ không đơn thuần là hình thức: Hãy tu có chiều sâu!

Đáp lại tình cảm đó, TT. Thích Thánh Biện – Phó BTS Huyện Đất Đỏ, Trụ trì Chùa Bửu Quang gửi lời chúc đến người Thầy của mình “luôn mạnh khỏe, trí tuệ và mãi là ngọn hải đăng cho quý Tăng Ni, Phật tử”. Đồng thời, Thượng tọa cũng gửi lời chúc đến đoàn hành hương.

Trong cái nắng oi bức của buổi trưa, quý Phật tử như được thổi mát bởi cơn gió Phật pháp. Ấy là hướng đến việc không chấp thái độ, không chấp cảm xúc để đạt được “vô tâm” như phương châm của Thiền tông Trung Hoa.

“Tầm ngưu tu phỏng tích

Học đạo quyết vô tâm”

 

 

ĐỊA ĐIỂM THỨ NĂM: CHÙA GIÁC NGỘ (VŨNG TÀU)

Đến Giác Ngộ (Vũng Tàu), chi nhánh khác của chùa Giác Ngộ, TT. Nhật Từ chia sẻ cơ duyên và những khó khăn trong quá trình xây dựng kể từ đầu năm 2008. Đồng thời, Thầy cũng gửi lời cảm tạ, tri ân đến quý Phật tử đã hùn phước xây chùa.

Với mô hình xóa mù chữ Phật pháp, tạo không gian tu tập để đạt được trí tuệ, công trình Chùa Giác Ngộ (Vũng Tàu) hứa hẹn trở thành nơi tu học lý tưởng cho quý Phật tử.

Để cầu nguyện cho công trình thành công viên mãn, Tăng đoàn cùng Phật tử tụng bài Kinh “Chuyển pháp luân”.

Được biết, chi nhánh chùa Giác Ngộ (Vũng Tàu) hiện được ĐĐ. Thích Ngộ Chơn – Phó Trụ trì trực tiếp quản lý.

Đề công trình ý nghĩa này sớm được thành tựu, mở ra đạo tràng tu học cho hàng ngàn Phật tử, quý vị hùn phước bằng một trong hai cách sau:

1. Tại Văn phòng Chùa Giác Ngộ

Địa chỉ: Số 92, đường Nguyễn Chí Thanh, P.2, Q.10, TP. HCM

Số điện thoại: (028) 6680 9802

2. Qua chuyển khoản:

Mã nội dung GNVT đóng góp xây dựng Chùa Giác Ngộ tại Bà Rịa – Vũng Tàu

-Tài khoản: TRẦN NGỌC THẢO (THÍCH NHẬT TỪ)

-Số tài khoản: 0171003481551

-Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), chi nhánh HCM

-Swift code: BFTVVNVX007

 

ĐỊA ĐIỂM THỨ SÁU: TRUNG TÂM NHÂN ĐẠO HỘ PHÁP

Sau khi nghỉ trưa tại chùa Giác Ngộ (Vũng Tàu), đoàn hành hương tiếp tục di chuyển đến địa điểm thứ sáu của chuyến đi: Trung tâm nhân đạo Hộ Pháp (xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh BR-VT). Đây là trung tâm chuyên nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh bất hạnh.

Tiếp phái đoàn là TT. Thích Nhuận Nghĩa - Ủy viên HĐTS GHPGVN tỉnh BR-VT, Phó Ban Thư ký HĐTS GHPGVN tỉnh BR-VT, Phó Hiệu trưởng Trường TCPH Đại Tòng Lâm. Được biết, vốn xuất thân là cô nhi nên Thượng tọa đồng cảm với các mảnh đời “trẻ thơ” bất hạnh. Đó cũng chính là lý do thành lập nên Trung tâm nhân đạo Hộ Pháp.

Nhân dịp đoàn hành hương ghé thăm, Thượng tọa Trụ trì bày tỏ: “Mong TT. Nhật Từ sẽ có nhiều Phật sự, thiện sự ý nghĩa trong tương lai và quý Phật tử được thân tâm an lạc”.

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, câu chuyện về “đứa trẻ mồ côi” được Thiền sư Khánh Vân nuôi dưỡng thành tài đã trở thành câu chuyện vô cùng nổi tiếng. Bởi lẽ, đứa trẻ ấy chính là vua Lý Thái Tổ (tên thật là Lý Công Uẩn), người có công dời đô ra Thăng Long, xây dựng triều Lý hùng mạnh của nước Đại Việt, mở đầu cho quá thịnh thịnh vượng Phật giáo tại nước ta. Mất mẹ từ nhỏ, vua Lý Thái Tổ đã bước vào cửa chùa, được nuôi dưỡng và tu học Phật pháp. Người có công dẫn dắt đầu tiên chính là Thiền sư Vạn Hạnh. Từ câu chuyện ấy, TT. Nhật Từ đề cập đến giá trị và thành quả của việc nuôi dưỡng trẻ em mồ côi. Vì trong số các em, sẽ có nhiều người thành tài, giúp ích cho xã hội.

Đồng thời, Thượng tọa dẫn đoàn mong rằng chuyến hành hương lần này cũng sẽ gieo duyên cho các em nhỏ mồ côi tại trung tâm.

ĐỊA ĐIỂM THỨ BẢY: TỔ ĐÌNH ĐẠI TÒNG LÂM

Tổ đình Đại Tòng Lâm vốn là nơi nổi tiếng trong việc đào tạo Tăng tài, tạo tiền đề, nền tảng vững chắc cho công cuộc xiển dương Phật pháp về sau. Trường TCPH Đại Tòng Lâm đã kết hợp với Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM. Vào năm 2020, Trường đào tạo nên không ít Tăng Ni sinh có thành tích cao cho Học viện trong kỳ thi Tuyển sinh Cử nhân.

Đặc biệt, chuyến đi hành hương lần này ngay dịp khánh tuế lần thứ 80 của HT. Thích Quảng Hiển – Trưởng BTS GHPGVN tỉnh BR-VT, Hiệu trưởng Trường TCPH Đại Tòng Lâm. Đoàn đã đảnh lễ và bày tỏ tấm lòng tôn kính lên Hòa thượng Hiệu trưởng. Được biết, Hòa thượng đã dấn thân hơn 40 năm qua để xây dựng Phật giáo tại tỉnh BR-VT cho Giáo hội, xây dựng Trường Phật học Đại Tòng Lâm.

TT. Nhật Từ chia sẻ: “Đây được xem là phước duyên to lớn cho hàng tu sĩ và Phật tử chúng con”.

Nhân đây, Hòa thượng cũng gửi gắm đôi lời về nguyện vọng của mình và cầu mong cho công trình chùa Giác Ngộ (Vũng Tàu) sớm thành công. Hòa thượng đã gửi tặng tôn tượng Phật Bồ-tát cho chùa Giác Ngộ để công trình đạt thành tựu trong tương lai gần.

Đồng thời, Hòa thượng cũng khuyến khích mọi người tinh tấn tu đạo, năng động dấn thân: “Trên đời này, có 2 việc chúng ta không nhờ người khác làm thay được: một là ăn và hai là tu.”

 

ĐỊA ĐIỂM THỨ TÁM: TU VIỆN PHƯỚC HOA

Trời đã nhá nhem tối, đoàn xe di chuyển đến số 24/04 đường Tân Hiệp, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, nơi tọa lạc của Tu viện Phước Hoa.

Sau khi đảnh lễ tôn tượng Đức Phật, chùa tiếp đãi đoàn hành hương bằng món tàu hũ quen thuộc.

 

ĐỊA ĐIỂM THỨ CHÍN: TU VIỆN THƯỜNG CHIẾU

Rời Tu viện Phước Hoa, Phật tử đến Tu viện Thường Chiếu, chỉ cách đó khoảng 5 phút di chuyển bằng xe. Tu viện Thường Chiếu có khuôn viên rộng rãi, có bãi đậu xe cho đoàn. Đá chính là chất liệu chủ đạo của tu viện...

 

ĐỊA ĐIỂM CUỐI CÙNG: CHÙA THIÊN TÔN

Khi đồng hồ đã hơn 20g30, đoàn đặt chân đến địa điểm cuối cùng: Chùa Thiên Tôn. Chùa được mệnh danh là "cái nôi Phật giáo cổ truyền của Việt Nam", đồng thời còn là di tích lịch sử của Thành phố.

 

 

Tin: Bảo Tiên

Ảnh: Ngộ Trí Thuận

Bình luận