CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Một góc văn hóa Việt trong Lễ cầu an và hoàn Kinh Dược Sư tại chùa Giác Ngộ

Nhân Rằm tháng Giêng Xuân Tân Sửu, sáng ngày 26/02/2021, Lễ cầu an và hoàn Kinh Dược Sư trang nghiêm diễn ra tại chùa Giác Ngộ.

Buổi lễ được truyền trực tiếp trên các kênh xã hội của Truyền hình Đạo Phật Ngày Nay - Chùa Giác Ngộ nhằm phục vụ nhu cầu của quý đại chúng trong giai đoạn tuân thủ tiêu chí 5K của Bộ Y tế. Cũng chính vì thế, buổi lễ online này đã thu hút đông đảo người xem ở cả Facebook lẫn YouTube.

Trước khi Tăng đoàn tiến hành nghi thức tụng Kinh Dược Sư, TT. Thích Nhật Từ - Trụ trì Chùa Giác Ngộ, giải thích về ý nghĩa của Rằm tháng Giêng trong văn hóa phương Nam. Theo đó, Rằm tháng Giêng được biết đến với tên gọi khác là Tết Nguyên tiêu (nghĩa là ngày trăng tròn đầu tiên trong năm mới), do một phần ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa. Các nghi lễ quan trọng trong dịp Rằm tháng Giêng của người Việt gồm: Lễ hạ điền (bắt đầu cho vụ mùa mới của một năm, biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở, phát triển kinh tế nước nhà), Lễ hoa đăng (có gốc rễ từ Phật giáo, ánh sáng của hoa đăng biểu trưng cho những điều tích cực, tràn đầy hy vọng trong đời sống). Để rồi, Thượng tọa kết luận: “Rằm tháng Giêng có một vai trò rất quan trọng trong nền văn hóa nông nghiệp tại Việt Nam.”

Bên cạnh đó, theo văn hóa Phật giáo, Rằm tháng Giêng cũng gắn liền với các sự kiện lớn. Ví như, vào năm thứ 2 sau khi thành đạo, Đức Phật đã tiếp nhận vườn ngự uyển Trúc Lâm để làm chùa, hóa độ hơn 1000 vị thánh Tăng cùng nhiều người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau. Cũng trong thời gian này, Ngài đã trình bày các học thuyết, quan điểm của nhà Phật dựa trên 3 phương diện: Đạo đức - thiền định - Trí tuệ. Từ đó, đạo Phật gắn liền với tinh thần nhập thế và trở thành tôn chỉ của các bậc đạo sư. Ngoài ra, một sự kiện khác nhân dịp Rằm tháng Giêng là Đức Phật tuyên bố sẽ nhập Niết-bàn ở tuổi 80. Như vậy, Rằm tháng Giêng là cột mốc thể hiện giá trị văn hóa của không chỉ Phật tử mà toàn thể người dân đất Việt. 

Hơn hết, đây còn là dịp hoàn mãn Kinh Dược Sư sau 15 ngày tiến hành nghi thức đọc tụng để cầu nguyện hòa bình. Theo Kinh sách, Đức Phật Dược Sư được mệnh danh là vị Phật của cõi tịnh, cõi Lưu Ly. Bằng sự kết hợp giữa ánh sáng nhật quang và nguyệt quang, “vị Thầy thuốc” ấy giúp con người tự soi chiếu tâm mình để tìm ra và chữa lành các loại bệnh ẩn chứa trong tâm. Vì lẽ, đạo Phật chủ trương quay về bên trong, tìm kiếm nguồn sức mạnh từ chính bên trong của mỗi người. Thế nên, Kinh Dược Sư thường được chọn để tụng trong các dịp đầu năm. 

Sau phần thuyết giảng của Thượng tọa Trụ trì, Tăng đoàn tiến hành nghi thức tụng Kinh Dược Sư (được soạn dịch bởi TT. Thích Nhật Từ). Quyển Kinh được biên soạn theo phong cách Thuần Việt với bố cục 3 phần: Nghi thức dẫn nhập, Chánh kinh, Sám nguyện và hồi hướng, nhằm giúp nhiều người dễ đọc tụng và dễ nhớ cũng như hiểu được ý nghĩa vốn có của Kinh. 

Như vậy, đêm trăng tròn đầu tiên của Rằm tháng Giêng hôm nay đánh dấu cho sự kết thúc một mùa Tết cổ truyền, một mùa thể hiện rõ văn hóa nông nghiệp trong dịp đầu năm: lễ chùa, thả hoa đăng, câu đối, ẩm thực Tết,... Đồng thời, nó cũng là dịp bắt đầu cho những ước mong, nguyện vọng được thể hiện qua các dự định, dự án. 

 

Tin: Bảo Tiên

Ảnh: Ngộ Trí Thông, Ngộ Trí Thuận

Bình luận