CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Nền tảng tu học căn bản của người xuất gia

 

Tối 24/08/2022, trong Khóa tu Xuất Gia Gieo Duyên lần thứ 9, tại Chùa Giác Ngộ, TT. Thích Nhật Từ đã hướng dẫn tu học cho đại chúng qua bài pháp thoại: "Nền tảng thực tập của người xuất gia". 

Nội dung của bài pháp thoại này cũng chính là nội dung của bài Kinh Căn Bản Tu Tập, kinh số 152 trong Trung Bộ Kinh. Bài kinh này giúp cho người xuất gia nắm vững được phương pháp và kỹ năng tu tập, giải quyết các vấn nạn khổ đau của bản thân và góp phần mở ra con đường tỉnh thức cho cộng đồng và xã hội. 

Mở đầu bài kinh là sự kiện Bà-la-môn trẻ Ut-ta-ra đến hỏi đức Phật về sự căn bản trong việc tu tập. Chàng trai trẻ thưa với Phật rằng thầy của anh ta dạy mình cách tu tập căn bản đó là "không nên thấy sắc, không nên nghe tiếng bằng mắt và tai". Và đức Phật đã trả lời rằng: "Này Ut-ta-ra, theo cách tu này, người mù và điếc đều đạt trọn vẹn căn bản tu tập, vì những người này không thấy, không nghe!". Điều này khiến cho chàng trai vô cùng hổ thẹn và thất vọng. Bởi vì theo đức Phật, 6 giác quan là cửa ngõ giúp con người kết nối với đời sống thực tại. Chúng ta không nên đào tẩu khỏi thực tại bằng việc phớt lờ đi chức năng của các giác quan. Mà muốn có được sự an lạc, hạnh phúc ngay trong từng khoảnh khắc của hiện tại thì chúng ta cần làm chủ được tâm của mình. Bởi vì khi tâm mất chánh niệm, mất tỉnh giác thì dễ dẫn đến sự buông thả của bản thân, đắm nhiễm vào chủ nghĩa hưởng thụ dục lạc thông qua 6 giác quan. 

Nền tảng thực tập thứ hai của người xuất gia đó là không vướng chấp vào giác quan. Trong kinh, đức Phật đã dạy rằng: "Này A-nan-đa, khi mắt thấy sắc, với tâm hài lòng, hay không hài lòng, hoặc chưa xác định, hãy tuệ tri rằng: “Hài lòng, hay không, hoặc chưa xác định đã được xuất hiện. Cái gì xuất hiện cái đó có mặt dưới dạng thức thô. Buông xả là cái an tịnh, thù diệu. Cái gì xuất hiện đều nên dứt trừ, chỉ giữ lại xả, với một tốc độ mau chóng, dễ dàng, như người có mắt, khi mắt đã mở lại nhắm mắt lại, hoặc đã nhắm rồi lại mở mắt ra”. Tượng tư như thế, khi tai nghe tiếng, khi mũi ngửi mùi,... dù cho chúng có khiến  tâm mình hài lòng, hay không hài lòng, hoặc chưa xác định, thì chúng ta vẫn giữ một thái độ của tâm là sự buông xả, không vướng chấp, nhiễm đắm vào chúng. Do đó, mỗi phút giây mà các giác quan của chúng ta hoạt động, tiếp xúc với các sự vật, hiện tượng, đối tượng trong cuộc sống, mình phải thiết lập được sự chánh niệm, tỉnh thức ngay tự tâm thì mới có thể chiến thắng được những khổ đau, phiền não. 

Nền tảng tu tập thứ ba, đó là thấy sự nguy hiểm từ việc đắm nhiễm bởi các giác quan mà sanh tâm nhàm chán, ghét bỏ. Và nếu như tâm của chúng ta lỡ bị vướng kẹt vào tiến trình các giác quan tiếp xúc với trần cảnh thì đức Phật dạy rằng hãy sanh tâm xấu hổ, hổ thẹn. Điều đó sẽ giúp cho mình quay trở lại với sự tỉnh thức và bình an. Ngoài ra, Ngài cũng nhắc nhở chúng ta rằng cái gì đáng nhàm chán thì chúng ta không nên nhiễm đắm và những gì không đáng nhàm chán mà mình lại nhàm chán thì sẽ rơi vào sự yếm thế, bi lụy, sợ hãi, tự ti, trầm cảm,... Vì vậy chúng ta phải xác định thật rõ ràng những gì cần nhàm chán, chẳng hạn như điều xấu, điều ác, điều tiêu cực, điều chấp dính, điều hưởng thụ thấp kém,... thì mình mới có thể sống được giản dị, thanh cao, an lạc, thảnh thơi. 

Điều bốn, về phận sự của người xuất gia, đức Phật dạy rằng: "Này A-nan-đa, thầy vừa giảng về căn bản vô thượng đời sống đạo đức của các bậc Thánh, con đường tâm linh của bậc hữu học, tu tập giác quan của các bậc Thánh. Những gì cần làm, thì bậc đạo sư làm vì từ bi, mang lại hạnh phúc cho các đệ tử; những điều như thế, thầy đã thực hiện cho các đệ tử". Do đó, vai trò đạo sư của Tăng Ni đối với Phật tử, cư sĩ tại gia là vô cùng quan trọng. Tăng Ni phải nỗ lực, hết mình chia sẻ chân lý, truyền bá lời Phật dạy để giúp cho nhiều người nắm vững "bản đồ" tu học Phật. Khi làm đạo sư, người xuất gia phải xuất phát từ động cơ muốn mang lại hạnh phúc cho con người, cho chúng sanh. Và trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, bằng tâm từ bi và sự chân thành của mình, thì người tiếp nhận Phật pháp chắc chắn sẽ nhận được những giá trị tích cực, an lành từ chân lý Phật mà quý Tăng Ni trao tặng. 

 

Nền tảng tu tập cuối cùng mà đức Phật chỉ dạy đó là siêng năng, tinh tấn hành thiền: "Này A-nan-đa, đây là gốc cây, chỗ rất thanh vắng, hãy thực tập thiền, chớ có buông lung, để không lo lắng, hối hận về sau. Đây là lời dạy thầy xin gửi đến tất cả đệ tử". Thiền được xem như là hơi thở không thể thiếu trong đời sống tu hành của các bậc xuất trần thượng sĩ. Việc thực tập thiền giúp cho hành giả luôn luôn chánh niệm, tỉnh thức, nuôi dưỡng và phát triển nguồn năng lượng an lành, hạnh phúc ngay trong từng giây phút của hiện tại. 

Tin: Minh Lượng

Ảnh: Ngộ Đức Phước

Nền tảng tu học căn bản của người xuất gia Nền tảng tu học căn bản của người xuất gia Nền tảng tu học căn bản của người xuất gia Nền tảng tu học căn bản của người xuất gia Nền tảng tu học căn bản của người xuất gia Nền tảng tu học căn bản của người xuất gia Nền tảng tu học căn bản của người xuất gia Nền tảng tu học căn bản của người xuất gia Nền tảng tu học căn bản của người xuất gia Nền tảng tu học căn bản của người xuất gia Nền tảng tu học căn bản của người xuất gia Nền tảng tu học căn bản của người xuất gia Nền tảng tu học căn bản của người xuất gia Nền tảng tu học căn bản của người xuất gia Nền tảng tu học căn bản của người xuất gia Nền tảng tu học căn bản của người xuất gia Nền tảng tu học căn bản của người xuất gia Nền tảng tu học căn bản của người xuất gia Nền tảng tu học căn bản của người xuất gia Nền tảng tu học căn bản của người xuất gia Nền tảng tu học căn bản của người xuất gia
Bình luận