CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Làm người tử tế, không có khó đâu!

Sáng ngày 25/07, tiếp tục chuỗi ngày thực hiện giãn cách xã hội, khóa tu Ngày An Lạc vẫn được diễn ra dưới hình thức online. Đặc biệt, ở khóa tu lần này, nhằm tôn vinh những việc tử tế, người tử tế,… tất tần tật điều làm nên câu chuyện đáng yêu trong những ngày ở nhà chống dịch này, TT. Thích Nhật Từ chia sẻ về việc “làm người tử tế” thông qua bản nhạc cùng tên do Thầy sáng tác.

Phần nghi thức chính của khóa tu là tụng Kinh, điều này vẫn được quý Thầy thực hiện và truyền trực tiếp để quý Phật tử gần xa cùng đọc tụng. Một bài Kinh cho buổi sáng chủ nhật là một ý tưởng hay. Nhân lúc, người người nhà nhà phải ở nhà, hạn chế ra ngoài, bị những nỗi lo về đại dịch Covid-19 làm cho ám ảnh, một bài Kinh cũng giống như một chương sách tích cực, giúp người đọc tự hoàn thiện bản thân và làm mới tâm mình. Sau thời kinh, hành giả tham dự online sẽ tự mình ngồi thiền trong khoảng nửa tiếng. Đó chính là hai nghi thức quan trọng trong khóa tu Ngày An Lạc tại chùa Giác Ngộ. Mục đích là giúp người tham dự có được sự an lạc trong buổi sáng cuối tuần.

Khi kết thúc hai nghi thức này, hành giả tham dự online sẽ được lắng nghe bài pháp thoại của Thượng tọa Giảng sư. Thông qua những phân tích, liệt kê, kết luận, quý thiện nam, tín nữ gần xa được khai mở tuệ giác trong một chủ đề nhất định. Với khóa tu tuần này, chủ đề chính là người tử tế, điều đã làm nên “trending” trong suốt hơn nửa tháng qua. Người thành phố trong các khu cách ly có đầy đủ lương thực, bệnh viện dã chiến có thêm nguồn nhân lực hỗ trợ, hàng tá các cơ sở nấu cơm thiện nguyện mọc lên, các chuyến xe tặng rau 0đ,… những điều làm lòng người trở nên ấm áp hơn trong cơn buốt giá của đại dịch.

Mở đầu bài giảng, Thượng tọa định nghĩa về việc làm người tử tế: “Ấy là một nhu cầu thể hiện sự trưởng thành của người đó về tư cách, lối sống, văn hóa ứng xử và các giá trị mà người đó có thể mang lại cho cuộc đời.” Bằng cách phân tích vắn tắt lời ca của bài hát, Thầy đưa ra các tiêu chí cần có để làm người tử tế. Đó là không làm khiến ai trở nên phiền muộn, không lợi dụng ai, không xúc phạm ai, không vu khống ai, rèn luyện nhân cách để có đức, có tài, và biết tôn trọng người tài đức. Đó còn là sự thể hiện tâm từ bi qua hành động cụ thể trên nền tảng có ích: thương yêu và cứu giúp tha nhân, làm bằng tâm vô ngã, tâm vị tha, tâm phụng sự, luôn có trách nhiệm, đừng hứa hẹn thời gian, không sợ miệng đời, vượt qua gian truân và kết thúc vấn nạn. Đó cũng là thái độ ứng xử của người với người: có tâm cảm thông, có sự hiểu biết, kính trên nhường dưới, hợp tác và đoàn kết, có tâm chia sẻ, nâng đỡ tha nhân, tâm bao dung độ lượng, tha thứ, lòng chân thành, công thành thân thoái. Điều qua trọng nhất là phải giải đáp câu hỏi tại sao tôi phải làm người tử tế để khi thực hiện không vì khó khăn mà chán chường, bỏ cuộc. Trong bài hát, câu trả lời chính là “đời”. Vì không ai sống mãi ở đời, không ai có thể thưởng thức hết những thứ xa hoa ở đời, không ai mang được gì ngay giây phút lìa đời,… nên con người hãy làm những gì tốt nhất có thể, trước khi chúng ta chết.

 

 

Làm người tử tế không có gì khó, chỉ cần có yêu thương và biết cách truyền yêu thương thì mỗi người sẽ điểm tô thêm sắc màu cho cuộc sống này. Dịch bệnh chính là minh chứng để chúng ta thấy rằng sự tử tế quý giá biết chừng nào, nó là phương thức cứu rỗi cho biết bao mảnh đời.

 

 

Như vậy, chỉ với vài giờ cho một khóa tu, người tham dự được tiếp thêm sức mạnh để thực hành làm người tử tế, thực hành hạnh từ bi. Bởi lẽ, cuộc sống này rất cần đến những điều đẹp đẽ.

 

 

Tin: Bảo Tiên Ảnh: Thanh Phong, Thái Sơn

Bình luận