CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Khóa tu Ngày An Lạc online: Thờ cha kính mẹ chưa phải là chân tu

Sau mấy tuần liền diễn ra chương trình Hiến máu nhân đạo tại chùa Giác Ngộ, sáng nay (ngày 04/07/2021), khóa tu Ngày An Lạc online đã quay trở lại với bài pháp thoại “Thờ cha kính mẹ chưa phải chân tu”.

Khóa tu được đặt dưới sự chủ trì của TT. Thích Nhật Từ - Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Trụ trì Chùa Giác Ngộ, cùng sự tham dự của Tăng đoàn Chùa Giác Ngộ.

Vào lúc 6g45, Tăng đoàn Chùa Giác Ngộ bắt đầu khóa tu online bằng bài Kinh Thiện Sinh. Bài Kinh này nói về 12 vai xã hội của con người, gắn với các bổn phận và trách nhiệm. Ấy là bổn phận của chồng, vợ, con cái, cha mẹ, học trò, thầy cô, người thân, bà con, chủ, thợ, đạo sư, và đệ tử. Qua việc đọc tụng bài Kinh này, người Phật tử tại gia biết dung hòa giữa cho và nhận. Vì rằng trước khi hưởng những thành quả tốt đẹp, con người phải làm tròn các bổn phận và trách nhiệm của mình.

Khóa tu được tiếp tục với bài thuyết giảng “Thờ cha kính mẹ chưa phải chân tu” của TT. Nhật Từ. Dân gian có câu: “Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.” Việc đề cao đạo hiếu, tấm lòng thơm thảo của con cái dành cho cha mẹ là một nét đẹp văn hóa gia đình. Nhưng điều được tôn vinh, trân trọng phải là điều tốt đẹp, ý nghĩa, mang lại giá trị và truyền cảm hứng. Vì thế, cha mẹ phải sống trọn đạo nghĩa ở đời, có phẩm hạnh, thậm chí là cống hiến,... Điều này đặt ra vấn đề nếu chẳng may cha mẹ có những thói hư tật xấu, làm việc sai trái thì con cái vẫn phải thờ cha kính mẹ để được gọi là chân tu sao?

Chữ hiếu là một giá trị nhân văn, một nét đẹp được ca tụng trong văn hóa người Việt. Nhưng vô tình, mặt trái, hệ quả tiêu cực của nó lại được sinh ra với lý do “thiếu trí tuệ”. Từ đây, Thượng tọa Giảng sư nói về giá trị cốt lõi của đạo Phật, đó là trí tuệ, bên cạnh đạo đức và thiền định. Thông qua việc đọc kinh sách (văn tuệ), nghiền ngẫm chân lý (tư tuệ), thực hành những điều đó (tu tuệ), người tiếp xúc tự khai mở tuệ giác cho chính mình. Trí tuệ vững vàng thì điều sai trái, thói hư tật xấu ắt bị lung lay và sụp đổ. Thế nên, đạo Phật không đơn thuần hướng con người đến việc tu tập mà còn là kim chỉ nam để giải quyết mọi vấn đề.

Đồng thời, Thượng tọa cũng khuyến khích người tại gia nên dành ra 15 phút mỗi ngày để thực tập thiền. Nhà Phật có 2 phương pháp thiền quan trọng, gồm: Thiền chỉ và Thiền quán. Sự an vui và hạnh phúc phát sinh bên trong bản thân sẽ là kết quả mà người thực tập nhận được sau khi hành thiền.

Từ vấn đề “thờ cha kính mẹ chưa phải chân tu”, Thượng tọa mở rộng ra mục đích thật sự của việc tu tập. TT. Nhật Từ nhận định rằng: “Không gian tu tập của người tại gia có thể bắt đầu tại nhà, còn phạm vi tu tập không chỉ trong nhà mà còn tu ngoài xã hội, tu để chứng đắc quả vị A-la-hán và tu để trở thành Bồ-tát.”

Vậy là, hơn một tháng người dân TP. Hồ Chí Minh đối mặt với sự tái bùng phát phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Hằng ngày, mọi người phải đối mặt với rất nhiều áp lực, từ cơm áo gạo tiền cho đến những kế hoạch, dự định. Khóa tu ngày cuối tuần tại chùa Giác Ngộ như khơi lại một chút hào sảng vốn có trong con người thành phố nhộn nhịp và màu sắc này.

Hiện tại, vào lúc 10g30 đến 11g30 (từ ngày 02 - 10/07), Quỹ Đạo Phật Ngày Nay - Chùa Giác Ngộ gửi tặng 500 phần cơm chay nóng hổi đến bà con có hoàn cảnh khó khăn. "Nếu bạn khó khăn cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác."

 

Tin: Bảo Tiên

Ảnh: Thanh Phong

 
Khóa tu Ngày An Lạc online: Thờ cha kính mẹ chưa phải là chân tu Khóa tu Ngày An Lạc online: Thờ cha kính mẹ chưa phải là chân tu Khóa tu Ngày An Lạc online: Thờ cha kính mẹ chưa phải là chân tu Khóa tu Ngày An Lạc online: Thờ cha kính mẹ chưa phải là chân tu Khóa tu Ngày An Lạc online: Thờ cha kính mẹ chưa phải là chân tu Khóa tu Ngày An Lạc online: Thờ cha kính mẹ chưa phải là chân tu Khóa tu Ngày An Lạc online: Thờ cha kính mẹ chưa phải là chân tu Khóa tu Ngày An Lạc online: Thờ cha kính mẹ chưa phải là chân tu Khóa tu Ngày An Lạc online: Thờ cha kính mẹ chưa phải là chân tu Khóa tu Ngày An Lạc online: Thờ cha kính mẹ chưa phải là chân tu
Bình luận