CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Mở cơ hội học Phật pháp cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam qua buổi giới thiệu chương trình học của Đại học Kelaniya

Nhằm mở ra nhiều cơ hội để Tăng Ni, Phật tử Việt Nam được tiếp cận và nghiên cứu chuyên sâu về Phật pháp, chiều ngày 14/10/2021, Viện Cao học chuyên ngành Pali và Phật học thuộc Đại học Kelaniya đã tổ chức buổi giới thiệu chương trình học cao học tại trường.

Buổi lễ online có sự tham dự của ông Prasanna Gamaga - Đại sứ Sri Lanka tại Việt Nam và bà Hồ Thị Thanh Trúc - Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka, TT. Thích Nhật Từ - Phó Viện trường Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM.

Với khoảng thời gian dài cống hiến cho nền giáo dục Phật học nước nhà, TT. Thích Nhật Từ gửi lời tuyên dương đến Viện Cao học chuyên ngành Pali và Phật học vì sự xây dựng, phát triển đào tạo cho cả các học viên quốc tế. Thượng tọa cho rằng sự chấn hưng Phật giáo tại Sri Lanka đã đóng góp vào sự phát triển về triết học, văn học, ngôn ngữ,... hầu như mọi mặt trong xã hội, tạo sự ảnh hưởng nhất định đến văn hóa nước nhà. Ngoài ra, Thượng tọa Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM cũng hy vọng rằng đây là cột mốc đánh dấu sự khơi màu cơ hội để Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trải nghiệm chương trình học đặc biệt này. 

Trong buổi chia sẻ, bà Hồ Thị Thanh Trúc cho rằng Việt Nam và Sri Lanka đã cố gắng tạo điều kiện cho việc học tập của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam thông qua buổi hội thảo. Mặc dù giờ đây, chúng ta đang trải qua những khó khăn chưa có trong tiền lệ, đó là đại dịch Covid-19. 

Là cầu nối cho những hoạt động giữa Sri Lanka và Việt Nam, ông Prasanna Gamaga bày tỏ sự sẵn sàng để giúp đỡ Tăng Ni, Phật tử Việt Nam có nhu cầu học tập, nghiên cứu sâu về Phật giáo Sơ khởi. Đồng thời, ông cho rằng chương trình học này sẽ thúc đẩy sự phát triển Phật giáo cả trong và ngoài lãnh thổ Sri Lanka.  

Sau đó, đoàn đại diện cho Viện Cao học, có các nhà sư, giảng viên, lần lượt chia sẻ về chương trình đào tạo và mục đích đạt được sau khi tham dự các khóa học. Chẳng hạn như cải thiện cổ ngữ Pali cho người có sẵn kiến thức nền cơ bản, nâng cao khả năng viết luận chuyên sâu về Phật giáo bằng tiếng Anh, có cái nhìn sâu sắc về Phật giáo Sơ khởi,... 

Được biết, Viện đã thành công trong việc triển khai chương trình học này tại Trung Quốc và Hồng Kông. 

Theo đó, chương trình học này sẽ được mở đăng ký cho đến tháng 12 (có thể nới rộng thời gian thêm 1 tháng do tình hình dịch bệnh khó khăn). Học viên sẽ bắt đầu học vào tháng 2 năm 2022. Người tham dự có thể học tập online nhưng nhà trường vẫn khuyến khích người học trực tiếp để tiếp thu kiến thức trong một môi trường thuận tiện. 

Nhân đây, Viện cũng bày tỏ sự vui mừng và rất sẵn lòng để ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, nhằm nâng cao kiến thức và chất lượng đào tạo cho Tăng Ni nước ta. 

 

Bảo Tiên

Bình luận