CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Chùa Giác Ngộ thắp nến tưởng niệm hơn 23.000 nạn nhân đã mất vì Covid-19

Vào lúc 20h30 ngày 19/11/2021 (nhằm ngày Rằm tháng Mười Tân Sửu), 18 hồi chuông gióng lên, nén hương trầm nghi ngút khói, hai bài Kinh “Thực tập vô ngã” và “A Di Đà” vang lên cùng những ngọn nến được thắp sáng, chùa Giác Ngộ nói riêng cũng như hơn 1.800 ngôi chùa, tự viện, hơn 300 giáo xứ, tổ chức chính quyền trên địa bàn TP.HCM,... nói chung đều hướng về đồng bào tử vong trong đại dịch Covid-19.

Khoảng thời gian dịch bệnh bùng phát lần thứ 4, không ít gia đình ngậm ngùi hay tin người thân qua đời trong cô đơn. Một mình vào bệnh viện để chiến đấu, rồi một mình lặng lẽ ra đi, để lại trong lòng người thân là những ký ức, hộp tro cốt và những lời chưa nói, những yêu thương chưa kịp trao. Vì đau buồn chưa tìm được lối thoát, các cơ sở tôn giáo trên cả nước, không ngoại trừ chùa Giác Ngộ đều thường xuyên làm lễ cầu siêu cho người tử nạn trong chiến trận Covid-19. Việc làm nhằm xoa dịu những trăn trở của người ở lại về sự ra đi quá đột ngột của người thân và cùng họ cầu nguyện cho ông, bà, cha, mẹ,... của mình.

Trong kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV vừa qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã gửi lời chia buồn đến những gia đình có người thân qua đời trong nạn đại dịch Covid-19; đồng thời, chủ trương cho MTTQ Việt Nam phối hợp cùng TP.HCM và các địa phương liên quan tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và các chiến sĩ, cán bộ hy sinh vì đại dịch Covid-19. 

Trước đó, vào sáng ngày 18/11/2021, Trung ương Giáo hội kết hợp cùng Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã trang nghiêm tổ chức Đại lễ kỳ siêu các cán bộ, chiến sĩ, quân nhân, lực lượng tuyến đầu đã hy sinh; Tăng Ni đã viên tịch; Phật tử và đồng bào các giới không may đã qua đời vì dịch bệnh Covid-19, tại Việt Nam Quốc Tự  (số 242-244 Đường 3/2, P.12, Q.10, TP.HCM).

Nhân đây, TT. Thích Nhật Từ phát biểu đôi lời: “Việt Nam đứng vị trí thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ về số lượng người tử vong vì Covid-19. Vị thứ càng cao chừng nào thì nỗi buồn đến với Việt Nam nhiều chừng đó…”. Theo Thượng tọa, Đại lễ cầu siêu hôm nay có 4 ý nghĩa lớn. Thứ nhất, lãnh đạo chính quyền các cấp, các tôn giáo và hàng triệu người dân Việt Nam đều đồng cảm, thương tưởng những người tử vong vì Covid-19. Thứ hai, trong quá trình dấn thân phụng sự tuyến đầu, một số bác sĩ, y tá, tình nguyện viên chẳng may bị nhiễm và qua đời. Họ - những tấm lòng cao thượng, đánh đổi bản thân mình để tạo cơ hội cho người khác được sống. Hôm nay, cả nước ghi nhớ công ơn của họ. Thứ ba, lễ cầu siêu trong đạo Phật nhắc nhở con người về các quy luật như vô thường, vô ngã. Từ đó, người còn sống biết được sự quý giá của sự sống và cuộc đời mình, người đã mất như được an ủi vì không chấp vào sở hữu. Thứ tư, thông qua đây, chính phủ Việt Nam thúc đẩy tinh thần dấn thân phụng sự của người dân trong thời dịch bệnh. 

Bên những ánh nến lung linh tại chùa, hay một góc đường nào đó, người Việt lặng người đi vài giây phút để nghĩ về hơn 23.000 cuộc đời đã mất. Sự ra đi của họ không chỉ là sự tiếc thương của riêng một gia đình Việt Nam nào mà đó là sự thương tiếc của cả dân tộc. Vì lẽ, nước ta nói riêng và toàn cầu nói chung đã cố gắng chung tay chống dịch Covid-19 suốt hơn 2 năm qua. Cho đến nay, 50/63 tỉnh thành trên cả nước đều đã có người tử vong vì Covid-19. 

 

Tin: Bảo Tiên

Ảnh: Thanh Phong

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận