CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

khóa tu ngày an lạc

Khóa tu Ngày An Lạc 31: Hãy nhiệt tâm tu tập - Ni sư Thích Nữ Huệ Liên

Các hành giả đã được cung đón NS. TS. Thích Nữ Huệ Liên, tiến sĩ Phật học năm 2001, tiến sĩ Văn khoa năm 2008. Hiện nay Ni sư là trụ trì Tịnh xá Ngọc Hòa, Phó thư ký Ban Phật giáo quốc tế GHPGVN, Ủy viên Ban Hoằng pháp T.Ư GHPGVN, giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM.

Ni sư đã ban bố cho các hành giả Bài pháp thoại với chủ đề: “Hãy nhiệt tâm tu tập” . Bài pháp thoại được chia làm 2 phần: 1- Sự hướng tâm về tu tập; 2- Sống và thực hành đúng theo chánh pháp của đức Phật.

Ni sư đã trích bài kệ trong 423 Lời vàng Phật dạy để phân tích:

 "Thật khó tìm ở đời, 
Người biết thẹn, tự chế, 
Biết tránh né chỉ trích 
Như ngựa hiền tránh roi."

“Như ngựa hiền chạm roi,

Hãy nhiệt tâm hăng hái.”

Là người tại gia phải có niềm tin nơi Tam bảo, nương tựa vào các đức hạnh của đức Phật. Ngoài ra người Phật tử còn phải giữ 5 giới và phải duy trì tinh tấn, phải thực tập Thiền định, để vượt qua 5 chướng ngại của tâm. Nghe pháp, thực hành, nghiền ngẫm lời Phật dạy, giữ chánh niệm để phát triển trí tuệ. Từ đó, mọi phiền não sẽ không còn, các bạn thật sự được an lạc.

Chương trình tu tập buổi chiều, các hành giả thật là bất ngờ và thú vị khi được nghe một ca sĩ nhí 8 tuổi Đặng Tú Thanh đang tham gia chương trình “Gương mặt thân quen nhí 2017” tại TP. HCM đã ca tặng các hành giả nhạc phẩm Công cha nghĩa mẹ đã mang đến một luồng gió mới.

Khóa tu Ngày An Lạc 30: Bảy pháp quán tưởng hướng thượng giải thoát - TT. Thích Đồng Trí

hời pháp thoại buổi sáng của khóa tu, BTC đã cung thỉnh TT. Thích Đồng Trí, Giám đốc trung tâm Anh ngữ, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, giản viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.CM thuyết giảng với đề tài: “Bảy pháp quán tưởng đưa đến hướng thượng giải thoát”.

Thượng tọa khuyến tấn toàn thể quý Phật tử bớt chinh phục những thứ bên ngoài, hãy dùng thời gian, tâm sức để chinh phục chính bản tâm mình. Tu sửa thân tâm chính mình mới là điều cần thiết và đáng làm nhất trong cuộc đời mỗi người. Dừng lại tâm lăng xăng, bất thiện và hướng lòng đến những điều lợi ích cho mình và tha nhân. Dành thời gian quản lý thân, khẩu, ý của mình cho tốt, đừng để nó tạo nghiệp.

Bảy pháp quán tưởng được thượng tọa giảng sư chia sẻ như sau:

1. Quán thân bất tịnh

2. Quán thức ăn bất tịnh

3. Không say đắm thế gian

4. Thường nghĩ đến sự chết

5. Luôn nghĩ đến vô thường

6. Nghĩ đến đời sống là khổ và vô thường

7. Luôn nghĩ đến khổ và vô ngã

Nếu tất cả mọi người cùng học tập và ứng dụng bảy phương pháp này vào đời sống hằng ngày, họ nhất định sẽ tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc ngay đây và bây giờ.

“Buông xuống đi hãy buông xuống đi

Chớ giữ làm chi có ích gì

Thở ra chẳng lại còn chi nữa

Vạn pháp vô thường buông xuống đi”

Thiền sư Vạn Hạnh trước lúc thị tịch cũng đã để lại một bài kệ sâu sắc cảnh tĩnh đệ tử và những người hữu duyên về cuộc sống đổi thay, vô thường biến hoại. Càng nắm bắt, càng ôm chặt thì càng thấy khổ đau.

Thân như bóng chớp chiều ta

Cỏ cây tươi tốt thu qua rụng rời

Sá chi suy thạnh việc đời

Thạnh suy như hạt sương rơi đầu cành”

Khóa tu Ngày An Lạc 29: Tránh xa cánh cửa bại vong - ĐĐ. Thích Giác Hoàng

Buổi chiều cùng ngày, ĐĐ. Thích Giác Hoàng, giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM đã đến với khóa tu bằng pháp thoại “Tránh xa các cánh cửa bại vong”. Đây là bài kinh rất sâu sắc mà cách đây hơn 2600 về trước, đức Phật đã truyền dạy cho đệ tử của Ngài, nhằm mang lợi lạc cho mình và tha nhân. Nội dung của 12 cánh cửa bại vong được Đại đức giảng sư truyền tải đến đại chúng như sau:

1. Ghét Chánh pháp là bại vong

2. Thích gần kẻ xấu ác, không quý trọng người hiền, thích điều bất thiện.

3. Thích ngủ, ham chổ đông vui, biếng nhác và nóng giận

4. Bất hiếu với mẹ cha

5. Gian dối không thật, gạt gẫm kẻ tu hành

6. Giàu có mà keo kiết, không biết giúp đỡ người

7. Ỷ vào quyền lực, tài sản, ngạo mạn khinh miệt người.

8. Kẻ tham sắc, khát ái, mê ma túy, rượu chè, cờ bạc…

9. Ăn chơi trác táng, ngoại tình không chung thủy

10. Người tuổi tác đã cao, cưới người tuổi con cháu, ghen tuông, không chung thủy

11. Nghiện ngập, hoang phí, ỷ quyền thế hiếp đáp dân lành

12. Tham quyền thế, sống bất lương, thích cai trị

Đó là 12 cánh cửa bại vong mà ĐĐ. Thích Giác Hoàng đã dạy quý Phật tử phải từ bỏ, để chính mình được hạnh phúc, để xã hội được yên bình, thạnh trị.

Khóa tu Ngày An Lạc 26: Với cả tâm tình kính dâng cha mẹ - TT. Thích Minh Thành

Tiếp nối chương trình, BTC cung đón TT. Thích Minh Thành, Ủy viên BHPTW GHPGVN, Trưởng BHPGHPGVN TP. Cần Thơ, Trụ trì chùa Bửu Liên, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ đã đến với khóa tu bằng thời pháp thoại có chủ đề: “Với cả tâm tình kính dâng cha mẹ”. Thượng tọa chia sẻ:

“Mùa Vu lan không chỉ có tháng bảy, mà chúng ta phải lấy cả cuộc đời của mình đều là tháng bảy của Vu lan. Chúng ta khai kinh Vu lan không chỉ đọc tụng trong tháng bảy, mà chúng ta phải dành cả cuộc đời để tụng kinh Vu lan, để báo đền ơn đức dưỡng nuôi của cha mẹ. Tụng kinh Vu lan, chúng ta không chỉ tụng bằng miệng, mà phải dành tất cả sự chân thành, hiếu dưỡng, báo ân để tụng, thì đó mới đích thực là chúng ta đang vì cha mẹ mà đọc tụng tôn kinh. Trong cuộc đời mỗi người, chắc hẵn chúng ta đã dùng rất nhiều tiền của để mua hoa cúng Phật, nhưng chúng ta lại chưa bao giờ mua những đóa hoa lòng hiếu hạnh để dâng cúng Vu lan. Cha mẹ đã cho chúng ta cả cuộc đời, trong khi Người chẳng bao giờ đòi hỏi chúng ta làm gì cho Người cả, mà hai đức Phật Vu lan chỉ cần chúng ta dâng hoa yêu thương và quà tưởng nhớ, chỉ thế thôi là Người đủ hạnh phúc rồi.

“Nước biển mênh mong không đông đầy tình mẹ

Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”

Sau những tháng năm rong ruỗi với đời, héo mòn thân xác, có đôi khi chợt nhớ về mẹ cha, chúng ta trở về mái nhà xưa, vẫn thấy đó khói lam chiều quyện tỏa, nghĩa là mẹ chúng ta vẫn đang còn sống, để giỏi theo để, để đợi chờ chúng ta trở về. Do đó, màu lam mà quý vị đang mặc trên người, chính là màu của thương cha nhớ mẹ, màu của hiếu nghĩa hiếu ân. Chúng ta có 60 năm hiện hữu trong cuộc đời để đi hết những buồn vui của thế gian, nhưng chúng ta chưa bao giờ thực hiện hết vòng quay ý nghĩa của Vu lan. Nếu cả cuộc đời chúng ta chưa làm cho cha mẹ cười, chưa làm cho cha mẹ vui, thì tất cả chúng ta vẫn chưa làm cho mùa Vu lan của mình trở nên ý nghĩa. Lúc vua Tịnh Phạn sắp bang hà, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trở về bên giường bệnh thuyết pháp độ vua, giúp cha vượt qua những lo sợ khi sắp lìa cõi thế. Ngày vua Tịnh Phạn mất đi, Ngài còn đưa vai gánh thi hài cha đi hỏa táng. Cả cuộc đời của đức Phật, Ngài đã sống trọn vẹn nghĩa tình của hai chữ Vu lan. Còn chúng ta, chúng ta đã làm gì để báo đáp những ân tình mà hai đấng sanh thành đã lao khổ vì ta! ...

Khóa tu Ngày An Lạc lần thứ 25: Sự lừa dối của tâm - ĐĐ. Thích Phước Tiến

Khóa tu ‘’Ngày An Lạc’’ lần thứ  25 các hành giả đã được gặp gỡ và nghe những lời giảng dạy quý báu từ một người thầy, một giảng sư nổi tiếng, đó là ĐĐ. Thích Phước Tiến, Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN, Phó Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM,  Trụ trì Tu Viện Tường Vân.

Bài pháp thoại mà Đại đức chia sẻ với chủ đề: "Sự lừa dối của tâm".

Theo Đại đức, việc khổ vui trong mỗi con người là không thật. Nếu khổ vui thật thì: thật khổ thì không vui, thật vui thì không khổ. Chúng ta đã bị sự lừa dối của tâm, nhất là về mặt đau khổ, đây là điều làm con người quằn quại nhất, đau thương nhất, trong khi thực tế không phải như vậy. Đồng thời định nghĩa khái niệm về tâm.

Đại đức đã đi sâu phân tích về tiềm thức, về thức và siêu thức.

Thầy đã nhấn mạnh và lưu ý các hành giả về: Ý thức là tạm thời giả dối. Tiềm thức là phản ánh bản năng chân thật, chân thật cả cái thiện và chân thật cả cái ác. Chúng ta chỉ kiểm soát được mình trên ý thức ! Vậy để tu tiềm thức chúng ta phải có cách: Trước hết hãy tu tập bằng ý thức, lấy ý thức để chuyển hóa tất cả các thứ, chứ không thể dùng tiềm thức. Hãy quân tập các hạt giống lành và đưa vào tiềm thức cho nhiều, quân tập càng nhiều càng tốt để một khi chúng ta đối diện với cảnh ác thì ý thức sẽ phản xạ bằng bản năng. Tiềm thức sẽ quân tập các hạt giống thiện sẽ trở thành một sức mạnh để kìm lại. Còn khi hạt giống thiện ít (tham sân si nhiều) thì ý thức sẽ quân tập những hạt giống ngược lại, tức là tôi luyện ý thức mạnh mẽ để cân bằng giữa cái thiện và cái ác.

Đại đức đã đưa ra hai cách để tu tập: Thứ nhất là dùng ý thức để chuyền hóa về nhận thức, quân tập nhiều hạt giống lành. Thứ hai là chuyển thức thành trí.

Với việc thông tuệ kho tàng Phật pháp và kinh nghiệm tu tập, bài pháp thoại đã làm cho các hành giả thích thú tu và học say mê.

Khóa tu Ngày An Lạc 24: Quán chiếu nỗi đau khi mất người thân - ĐĐ. Thích Quảng Tịnh

Buổi chiều cùng ngày, tăng đoàn chùa Giác Ngộ hướng dẫn quý hành giả thực tập ngồi yên, chánh niệm, thiền quán. Chương trình được tiếp nối do ban đạo ca chùa Giác Ngộ thực hiện. Sau đó, ĐĐ. Thích Quảng Tịnh quang lâm hội trường, đến với đại chúng qua thời thuyết giảng với đề tài: “Quán chiếu nỗi đau mất người thân”.

Với lối kể chuyện duyên dáng, ngôn ngữ chân thành, dí dỏm, thầy đã đưa đạo tràng đi từ cảm xúc này đến cảm xúc kia, có khi bật cười vì những điều bất ngờ thầy chia sẻ, cũng có khi xúc động ngậm ngùi. Sống ở trên đời, mấy ai không trãi qua nỗi đau từng mất đi những người thân yêu nhất của mình. Cảm giác đó rất tồi tệ, rất đau khổ, buồn thương. Có thể chúng ta đã từng học nhiều giáo lý, đọc và biết rất nhiều câu chuyện đức Phật giáo hóa cho những vị mất đi người thân yêu nhất. Tuy nhiên, khi chính bản thân mình đối mặt với những đau thương mất mát đó, bản chất của một phàm phu lại trổi dậy mãnh liệt nhất trong ta, và ta đau khổ, ta tuyệt vọng,… trách đời bất công với mình. Qua đó mới thấy rằng, mọi kiến thức, hiểu biết chỉ là phần tương đối, chỉ là bánh vẽ để ngắm nhìn mà thôi.

Học theo hạnh của Phật, hiểu sâu giáo lý, lời dạy của Ngài không hẳn là để đọc tụng hay thuộc lòng vanh vách, mà đều cần thiết nhất của mỗi chúng ta là phải biết thực tập. Phải quán chiếu được tánh vô sinh, bất diệt của vạn pháp. Khi đã nắm rõ thể tánh vô sinh bất diệt rồi, thì ta sẽ thấy chúng chưa bao giờ sinh, cũng chưa bao giờ diệt, chưa bao giờ đến và cũng chẳng bao giờ đi. Người thân người thương bên cạnh cuộc đời mình cũng vậy. Họ từ nơi không tồn tại mà đến, hiện hữu bên cạnh chúng ta một thời gian, đến khi hết duyên họ lại phải trở về với vị trí ban đầu khi chưa xuất hiện. Dẫu muốn hay không, chấp nhận hay không chấp nhận, buồn hay vui thì điều đó vẫn diễn ra như một định luật, không thể đổi thay, không thể cải biến. Quán chiếu được như vậy, thẩm thấu được như vậy thì nỗi khổ niềm đau, sự tiếc thương sẽ dần được chuyển hóa....

Khóa tu Ngày An Lạc 22: Luân hồi là gì - Cư sĩ Chơn Tín Toàn

Khóa tu "Ngày an lạc" lần thứ 22 các hành giả chào đón vị khách mời đó là: Cư sĩ Võ Ngọc Phượng (PD. Chơn Tín Toàn). Là một cư sĩ tìm hiểu về Phật giáo Bắc truyền. Học và hành theo lời dạy trong Nikaya. Chia sẻ Phật pháp theo tinh thần lời dạy trong Nikaya cho một số nơi tại Pháp quốc. Tổ chức 2 khoá tu "Chiếu kiến ngũ uẩn" và "Nhận diện ngũ uẩn", Hiện tại, Cô đang phụ trách lớp thiền Tứ Niệm Xứ tại Học Viện Linh Sơn, Paris.

Cô đến khóa tu với mục đích chia sẻ kinh nghiệm tu học Phật pháp và dấn thân phụng sự trong việc hoằng pháp độ sinh. Sáng nay các hàng giả đã lắng nghe bài pháp thoại với chủ đề: ‘’Luân hồi là gì’’.

Sau phần giải thích về ý nghĩa luân hồi, Cư sĩ Tín Toàn đã đề cập đến  Bảy trí về luân hồi đó là: i) Luân hồi là gì; ii) Luân hồi sanh khởi; iii) Luân hồi đoạn diệt ; iv) Sự vô minh; v ) Vị ngọt của luân hồi; vi) Sự nguy hiểm trong luân hồi; vii) Thoát khỏi luân hồi.

Khi nhận chân ra sự luân hồi ngay trong cuộc sống hiện tại, mới cảm nhận thực sự cái gọi là vô thường. Khi cảm nhận được sự luân hồi tái diễn trong từng hơi thở trong từng suy nghĩ trong từng cảm xúc, trong từng vui, buồn, thương, gét, được, mất, có, không, nhục, vinh, phải, quấy, đúng, sai chúng ta mới thấy là những pháp vô thường sanh diệt. Đó là sự luân hồi ngay trong giấy phút hiện tại, luân hồi trong quá khứ, luân hồi trong tương lai.

 Cư sĩ Tín Toàn đã lấy hai bài kinh quan trọng: Kinh Cây gậyKinh Dây thừng để so sánh điểm tương đồng, điểm tương ưng, hợp lý, hợp nghĩa với nhau không có gì sai khác trong lời dạy của đức Phật. Hiểu Tứ thánh đế theo khái niệm về ngũ uẩn, hiểu Tứ thánh đế theo luân hồi. Tứ thánh đế được gọi là 4 sự thật về khổ hay còn gọi là 4 thánh trí về khổ, hay là bốn sự thật về ngũ uẩn, hay 4 sự thật về luân hồi, hay là 4 sự thật về phiền não...

Khóa tu Ngày An Lạc 21: Niềm tin trong đạo Phật - ĐĐ. Thích Trí Minh

Sáng nay, các hành giả được cung đón TS. ĐĐ. Thích Trí Minh, Giảng viên Học viện PGVN TP.HCM và các trường Trung, Cao cấp Phật học trong thành phố. Thầy là một giảng viên có nhiều tâm huyết cho việc truyền đạo và hôm nay đến với khóa tu:‘’Ngày An Lạc’’ lần thứ 21, Đại đức đã trao truyền cho các hành giả bài pháp thoại với chủ đề : "Niềm tin trong đạo Phật".

Đạo Phật cần phải có 2 yếu tố để tu tập đó là: Niềm tin và Trí tuệ. Bản chất của niềm tin là một dạng tâm lý mà trong Phật học gọi là tâm sở. Đại đức đã diễn giải thêm về các loại tâm sở, tâm thiện (Tín, Tấn, Tàm, Quí, Vô sân, Vô si, Vô tham, Khinh an, Hành xả, Bất phóng dật và Bất hại ) để cho các hành giả hiểu và xác định rõ bản chất niềm tin. Quý Phật tử muốn trở thành hiền nhân (những người chuyên làm việc thiện, việc lành) thì phải hiểu thế nào là niềm tin.  

4 nội dung chính của bài pháp thoại bao gồm:

i) Bản chất niềm tin;

ii) Các loại niềm tin;

iii) Làm thế nào để có được niềm tin;

iv) Ích lợi của niềm tin trong cuộc sống.

Đại đức đã lấy những câu chuyện có thật được ghi chép trong các kinh sách, để minh họa thêm cho các nội dung mang tính triết lý sâu sắc. Đặc biệt có cả những câu chuyện rất nóng đang hiện hữu trên các phương tiện truyền thông để các hành giả hiểu rõ thế nào là niềm tin và nên tin cái gì để phân định chánh tín hay mê tín.

Trong Kinh Kanama trong Tăng chi bộ, đức Phật đã dạy có 10 điều không nên tin ( Đại đức đã gom lại thành 4 dạng để cho dễ nhớ) đó là:

1-Thông tin thuộc về dư luận (truyền thông, truyền thống, truyền miệng).

2- Không nên tin vào những điều sư phụ mình nói( sư phụ ngoại đạo bởi họ không phải là thánh nhân).

3- Không nên tin những điều ghi trong sách  vở của ngoại đạo (ngay trong kinh điển đạo Phật cũng có kinh giả).

4 Khoan tin vào hai loại người (người có uy quyền và những giáo chủ của tôn giáo khác).

 Đức Phật dạy phải có kiểm chứng được cả xã hội khen ngợi. Tiêu chuẩn để chúng ta tin  đó là không tham, không sân, không si. Niềm tin phải dựa vào sự hiểu biết có chân lý. Chân lý chỉ có 1 không có 2. Chân lý được phân làm 2 dạng: Chân lý tương đối là Nhân- Duyên- Quả, nghiệp báo. Chân lý tuyệt đối là mặt bản thể Rỗng không, Vô ngã của tất cả các sự vật và hiện tượng. Mọi sự vật, hiện tượng đều tuân theo định lý của vũ trụ gọi là: Nhân-Duyên-Quả thì niềm tin không bao giờ bị lay chuyển. Tin đi với hiểu. Trí tuệ đi với niềm tin là hai đôi cánh để chúng ta bay lên cao.

Các Phật tử đến chùa Giác Ngộ, hãy xây dựng niềm tin, tin những gì đức Phật nói và giáo pháp của Ngài. Tin đức Phật là một bậc giác ngộ gọi là chánh giác. Giáo lý của Ngài dạy là chân lý. Chân lý: Nhân-Duyên-Quả là đủ tu cả đời. Các Phật tử cố gắng làm những việc có lợi cho đời, có lợi cho người.

Đó cũng là lời sách tấn của Thầy trao cho các hàng giả trong khóa tu.

Khóa tu Ngày An Lạc 20: Sống tỉnh thức và trí tuệ - TT. Thích Nhật Hỷ

Các hành giả có được duyên lành cung đón HT. Thích Nhật Hỷ, Ủy Viên Thường Trực Ban Hoằng pháp Trung ương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Hoằng Pháp GHPGVN, TP. HCM, Giảng sư trường Cao cấp và trường Trung cấp Phật học.

Đề tài Thầy đã truyền trao cho khóa tu: "Sống tỉnh thức và trí tuệ".

Sống tỉnh thức là sống không mê. Thức là không ngủ. Sống không mê mệt, không ngủ là người  tỉnh trong cuộc sống. Đồng thời nếu sống có trí tuệ là sống không có khổ. Còn khổ là sống trong tình thức mà tình là bám víu làm cho con người khổ đau. Cho nên, chúng ta sống phải tỉnh mà không mê. Mê là sống trong ảo tưởng, trong đau khổ.

Bài pháp thoại được Hòa thượng phân tích với các nội dung sau:

i) Mê tiền: Mê tiền vừa khổ đau, vừa tạo nghiệp nghèo đói khát. Ai cũng biết câu chuyện Ăn khế trả vàng. Không tham thì được tất cả mà tham thì mất tất cả đó là bài học sâu sắc qua câu chuyện: Người sống tỉnh thức không tham mà còn bố thí cúng dường. Người bố thí cúng dường là người có tỉnh thức và trí tuệ. Dùng trí tuệ mới hóa giải được lòng tham.

ii) Mê sắc: Người tỉnh thức là người sống không mê là người trí tuệ. Người trí tuệ là người đang sống với hiện hữu. Người đang sống với hiện hữu là người sống tỉnh thức trở về với chơn tâm thường trú của mình. Cho nên sự nghiệp của người tu là trí tuệ.

Người học Phật không mê sắc mà phải hiểu ngay sắc thân của mình. Người 10 tuổi sống với 10 tuổi… người 60 tuổi sống với cuộc sống của người 60 tuổi đừng có quay về sống với cuộc sống của người 20 tuổi là sai lầm.  

iii) Mê danh vọng: Không mê mờ sắc thân danh vọng mà mượn nó để làm chiếc xe chuyển tải trí tuệ đạt được cứu cánh. Không mê mờ trên danh vọng cuộc sống, danh vọng là phù du.

iv) Mê ăn: Người tỉnh thức ăn xong làm tất cả các việc thiện. Khi người học Phật rồi thì không tham ăn, khi đó ăn cái gì cũng được. Người tỉnh thức coi ăn là món thuốc chữa bệnh khô gầy. Tham ăn là một chất liệu tạo cho thân xác khổ đau. Phật tử nào mà thích ăn mặn là liều thuốc độc giết hại trái tim và máu huyết, rượu bia và các chất kích thích là tàn phá gan, thận. Người tham ăn, tham uống tạo ra thế giới đói khát gọi là ngã quỷ.

v) Tham ngủ: Người tham ngủ là người thùy miên (hôn trầm). Thùy miên hôn trầm là sợi dây trói buộc trí tuệ của chính mình. Người tu học Phật là trừ được tam nghiệp: Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Muốn diệt trừ tam nghiệp thì phải lấy Giới- Định- Tuệ.

Khi trở về tỉnh thức phải học hạnh từ bi của Phật. Là đệ tử Phật, nỡ nào gắp thịt (vì mình ăn, người ta mới giết). Cho nên hạn chế!

Người tu học Phật là phải sửa làm sao cho thế giới thanh tịnh. Người tu mà để cho nhiễm ô dãy đày thì đừng nói là an lạc. Cho nên khi học Phật để biết được nhiễm, tỉnh, mê mà mê nhiễm là khổ đau. Học Phật là sửa đổi tâm, ý để hết khổ đau sống an lạc và hạnh phúc.

37 năm( năm 1980) Hòa thượng lại một lần nữa về trao truyền chân lý Phật tại ngôi chùa Giác Ngộ thân yêu để các hành giả hướng về sự tỉnh thức và trí tuệ đem lại sự an lạc và hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội.

Khóa tu Ngày An Lạc 18: Đại đế Asoka- Từ Huyền thoại đến Sự thật - Giáo sư Lê Tự Hỷ

Đúng 9h00 sáng, chương trình được tiếp tục với sự chia sẻ của GS. Lê Tự Hỷ, nhà nghiên cứu về Phạn văn (Sankrit) của đạo Phật. Giáo sư năm nay 77 tuổi, phát tâm quy y Tam bảo từ năm 1960. Thầy bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu về Phật học từ năm 2000, tính đến nay đã trải qua 17 năm. Thành quả sau những năm nghiên cứu Phật học, giáo sư đã cho ra đời 4 quyển sách “Tự học tiếng Sankrit” dài 300 trang. Giáo sư còn viết các cuốn như: “Thần chú trong Phật giáo”. Đây là quyển sách nghiên cứu chuyên sâu về thần chú có nguồn gốc từ tiếng Sankrit. Và cuốn sách về cuộc đời của Đại đế Asoka. Bên cạnh đó, giáo sư là tác giả của nhiều bài nghiên cứu được đăng tải trong các tạp chí, sách hội thảo trong và ngoài nước. Tuy xuất thân là một giảng viên toán học, nhưng thầy rất đam mê nghiên cứu về Phật học.

 

Giáo sư đến với khóa tu và giao lưu cùng hội chúng chủ đề: “Cuộc đời của Đại đế Asoka”. Thầy cho biết: “Asoka còn được gọi là A Dục, nghĩa là không ưu phiền, là vô ưu. Asoka còn mang nghĩa của một loài hoa - hoa vô ưu. Đối với vua A Dục, thế giới sẽ hòa bình nếu con người biết tu theo Phật pháp. Con người sẽ hạnh phúc nếu biết thực tập và nương tựa vào Tam bảo. Ông đã áp dụng giáo lý đạo Phật trong quá trình cai trị đất nước, giúp dân sống đạo đức, hướng thiện, hướng thượng. Cấm hành hạ và giết hại súc vật, ban chiếu chỉ cho đào nhiều giếng nước và trồng nhiều cây xanh, mở nhiều trạm chữa bệnh giúp đỡ dân nghèo.

Cuộc đời của đại đế Asoka để lại dấu ấn đáng nhớ với hai sự kiện trọng đại. Đó là một A Dục vương tàn ác, bạo ngược, là vị vua thiện chiến giết người không gớm tay. Và một A Dục vương tu nhân tích đức, thương dân như con ruột của mình khi đã trở thành Phật tử. Nhờ giác ngộ giáo lý đạo Phật, nhờ vào sự hộ trì Tam bảo và hết lòng phục hưng đất nước, tên của ông được vang danh trên bầu trời Ấn Độ. Những đóng góp ông để lại cho Phật pháp, cho Ấn Độ và cuộc đời vô cùng lớn lao.

Khóa tu Ngày An Lạc 17: Hành trình đi tìm đạo - HT. Thích Viên Giác

Cuối khóa tu là chương trình pháp thoại do TT. Thích Viên Giác, trụ trì chùa Từ Tân thuyết giảng. Với kinh nghiệm là một giảng sư uyên thâm, Thượng tọa đã mang đến tiếng cười và truyền tải kinh nghiệm sống, kinh nghiệm tu tập đến quý Phật tử bằng các nội dung giáo lý sâu sắc mà trong tạng Nikaya đức Phật đã giảng dạy. 

Chùa Giác Ngộ: Khóa tu ngày an lạc lần thứ 15
Đến chùa học Phật qua kinh điển, nghe giảng pháp, thực hành Bát Chánh Đạo và thực tập thiền đưa tới chuyển hóa, trị liệu thân tâm, giúp chúng ta đi từ điểm xuất phát khổ đau đến điểm hạnh phúc. Nhờ đó, Phật tử sống có tình người hơn, có tấm lòng vô ngã, tâm vị tha, có lòng từ bi trải rộng hơn. Mang lại lợi lạc cho mình, cho nhiều người.
Chùa Giác Ngộ: Khóa tu Ngày An Lạc lần thứ 14
Theo quan niệm của nhà Phật, người đến chùa lễ Phật là để thực tập ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc sống để tháo mở được những trở ngại và những thách đố trên con đường tu học, tạo lập sự nghiệp, như là những nỗ lực sẽ mang đến cho cả người xuất gia lẫn người tại gia những kỹ năng sống để giúp thành công trong công việc và hạnh phúc ngay hiện tại, bây giờ và...
Khóa tu ngày an lạc 15: Thực tập thiền - Tăng thân Làng Mai

Chỉ lắng nghe tiếng chuông để kéo tâm trở về với hơi thở. Một kiếp người chỉ hiện diện trong vòng một hơi thở mà thôi. Thiền là một sợi dây kéo hơi thở về với thân, bớt rong ruổi và bớt phiền não. Đó là những phút hướng dẫn thực tập thiền của Tăng thân làng Mai trước khi bước vào chương trình tu tập buổi chiều.

Thiền ăn, thiền ngủ và thiền ca. Hát Thiền ca trong các khóa tu tại chùa Giác Ngộ là một phần không thể thiếu với những nhạc phẩm quen thuộc của Làng Mai và thật đặc biệt các hành giả hôm nay còn được nghe Thiền ca do chính Tăng thân Làng Mai thực hiện. Ban đạo ca chùa Giác ngộ đã hát tặng Tăng thân Làng Mai và các hành giả  hai nhạc phẩm: Một lá ngô đồng rơi; Hiểu và thương. Để tâm ai đó có rong ruổi đâu đó quay về nương tựa.

Khóa tu ngày an lạc 15: Thiền trong đời sống hàng ngày - Tăng thân Làng Mai

Nhân dịp này Thầy Pháp Dung (Trụ trì Tu Viện Lộc Uyển tại Mỹ) đã có buổi chia sẻ pháp thoại với câu chuyện tập làm đậu hũ của chính Thầy để bước đầu thấy có cảm hứng để tu thêm, học  và hành thêm khi thấy được hiệu quả. Cho nên tu là phải có hiệu quả, tu mà mặt căng thêm, lời nói còn chua thêm. Càng tu mặt phải nhẹ, tâm  trải rộng ra, dễ ghi nhận dễ chấp nhận hơn. Thiền sư cũng lấy câu chuyện làm sạch răng miệng để minh họa cho việc tâm nội kết( cái thối) để ý thức được  rằng khi sống chung với nhau là phải biết khi nào miệng mình sạch, tâm mình sạch, tâm yên, tâm an lạc lúc đó mới tiếp xúc. Mục đích của thiền tập là như vậy, rất đơn giản! Mọi người phải tìm cho mình những giây phút để tìm sự bình yên của thân. Và lấy hình ảnh trải răng thở vào thấy thân và tâm mình khỏe, thở ra thấy thân tâm của mình rất nhẹ. Khỏe, nhẹ!... Và cuối cùng là để hiểu và thương đó cũng là mục đích của đạo Phật!

Cuối buổi pháp thoại ĐĐ.TS. Pháp Dung đã dành ít phút để các quý Thầy, quý sư Cô với kinh nghiệm tu tập của mình đã lần lượt chia sẻ giải đáp các câu hỏi có nội dung: Những việc làm tốt của mình mà người khác không thấy được thì phải làm thế nào? Trong gia đình có người thân có tập khí không tốt làm sao giúp họ chuyển hóa? Không làm chủ được cảm xúc và ý thức khi hưng phấn, có cách tu tập nào để trở về bình thường?

Kết thúc bài pháp thoại, Tăng thân làng Mai đã dành tặng cho khóa tu nhạc phẩm rất có ý nghĩa nhân chuyến về thăm quê hương  với nhan đề Hoa vẫn nở trên đường quê hương.