CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Phương Trời Thong Dong 14: TT. Thích Minh Thành (Hệ phái Khất Sĩ)

Chương trình được tiếp tục với talk show “Phương trời thong dong” – cuộc đời và đạo nghiệp của TT. Thích Minh Thành, UVTT HĐTS TWGHPGVN, Phó Ban Giáo dục tăng ni TW, Phó Ban Hoằng pháp TW, giảng viên HVPGVN tại TP.HCM, do MC Thiện Tùng dẫn chuyện.

Đến với chương trình, Thượng tọa chân tình bộc bạch: Đây là 1 talk show thú vị và có nhiều lợi lạc, và bản thân cảm thấy rất vinh dự vì được là nhân vật tiếp nối tham gia trong chương trình này. Khi các nhân vật chia sẻ những câu chượng tốt đẹp đã thực hiện được, nghiễm nhiên nó trở thành tấm gương sáng sống động theo hình mẫu “người tốt việc tốt” để mọi người học hỏi.

 

Chia sẻ về nhân duyên xuất gia học đạo, Thượng tọa cho biết, tuy xuất thân trong một gia đình có của ăn của để, nhưng đời sống thế tục có nhiều xung đột, bấp bênh, bản thân cảm thấy không phù hợp. Lần đầu tiên được nhìn thấy hình ảnh các nhà sư Khất sĩ trong màu áo vàng thoát tục, lòng dâng trào bao cảm xúc và thấy rằng đây là hành trình cao cả mà mình cần hướng đến. Bên cạnh đó, ngay từ thuở ấu thơ, Thượng tọa được tụng kinh cùng mẹ hằng đêm, đã thực tập ăn chay trường và không thích những trò chơi vô bổ của đám bạn cùng trang lứa trong xóm.

Thời gian đầu mới xuất gia, cuộc sống thay đổi rất nhiều, môi trường mới thật không dễ dàng hòa nhập. Có rất nhiều khó khăn nhưng tạm đúc kết có 3 khó khăn như sau: - khó khăn về vật chất, khó khăn về các mối quan hệ và khó khăn ở những năm 1976 – 1978. Ở chùa thiếu thốn đủ điều, không như cuộc sống ở nhà dư giả, Thượng tọa phải thường xuyên thức khuya dậy sớm, phụ chùa làm nước đá, sản xuất mì sợi, trồng hoa màu, đặc biệt là trồng rau muống bán ở chợ Bà Chiểu. Cuộc sống trong cửa thiền với nhiều thiếu thốn, khó khăn, nhưng vì tuổi trẻ nhiệt huyết, lại có lòng đam mê học đạo nên mọi thứ trôi qua một cách dễ dàng.

Về hệ phái Khất Sĩ; Thượng tọa cũng chia sẻ về tư tưởng, về tông chỉ và cách hoằng pháp. Về tư tưởng: Tăng bảo phải là những vị Bồ tát hiện thân, những vị Phật tại thế gian, đem cái hạnh phúc an vui cho cư gia bá tánh. Về tông chỉ: Nối truyền Thích Ca chánh pháp, loại bỏ những hình thức và mê tín dị đoan ra khỏi đạo Phật. Về cách thức Hoằng pháp: thực hiện tinh thân Việt hóa cao độ (kinh sách tất cả đều thuần Việt), du phương cao độ (hoằng hóa khắp nơi, đem đạo Phật đi vào cuộc đời).

Mặc dù là một nhà tu sĩ, nhưng Thượng tọa đã có thời gian “cỡi áo cà sa khoác chiến bào”, tham gia vào đội ngũ phục vụ biên giới, bảo vệ tổ quốc, giữ gìn an ninh, thiết lập hòa bình cho dân tộc. Đó là trách nhiệm thiêng liêng, là bổn phận cao cả mà mỗi công dân nước Việt, bất kể là ai đều cảm thấy vinh dự vì sự có mặt của mình đã góp một phần nhỏ bé cho quê hương lãnh thổ Việt Nam được an bình, thạnh trị.

Mỗi một người xuất gia tu học, việc chọn được vị thầy tâm linh là điều rất quan trọng và thật sự cần thiết, là người có tầm ảnh hưởng, quyết định sự thành bại trên con đường xuất sĩ đã chọn của mình. TT. Thích Minh Thành đã may mắn khi chọn cho mình người thầy tâm linh cao cả, là một trong những bậc mô phạm đáng kính của hệ phái Khất sĩ, HT. Thích Giác Nhiên. Bởi không có vị trí nào hơn, chỗ đứng nào hơn là làm 1 nhà sư cất bước lên khung trời cao rộng, trên cầu làm Phật, dưới hóa độ chúng sanh, thong dong tự tại đi vào cuộc đời, làm rạng danh giống Phật. Ngoài vị thầy tâm linh của mình, Thượng tọa còn may mắn được thị giả chư vị cao tăng như: HT. Thích Hành Trụ, HT. Thích Minh Châu, HT. Thích Thiện Siêu, HT . Thích Trí Tịnh.v.v…

Xuất gia trong thời niên thiếu với những khó khăn nhất định, nhưng Thượng tọa vẫn duy trì việc học và tu song hành nhau. Điều đó thể hiện ở chí ý vươn lên không ngừng, lòng nhẫn nại vượt qua mọi cam go thử thách. Học ở trong nước đã khó, nhưng khoảng thời gian khó khăn nhất là những năm đi du học tại Ấn Độ. Sống ở xứ người, lại không có học bổng, một mình Thượng tọa phải đi làm thêm các công việc như phiên dịch tiếng anh, tổ chức tuor hành hương tâm linh để có tiền trang trải việc học. Hạnh phúc, thành công không cô phụ những người cần cù, thiện chí. Năm 2000, Thượng tọa đã tốt nghiệp Tiến sĩ, khoa Phật học, trường Đại học New Delhi, Ấn Độ.

Đối với Thượng tọa, người tu sĩ học nhiều hay ít phụ thuộc vào hạnh nguyện và quan điểm sống của từng người. Học nhiều mà không vận dụng sở học để làm lợi lạc cho mình và người thì chi bằng học ít lại mà có thời gian tu tập và hoằng pháp nhiều hơn. Học chẳng qua là tạo cơ sở kiến thức để người tu tăng cường năng lực tiếp nhận đạo lý từ kinh điển, từ sách vỡ hay từ lời dạy của các bậc thượng nhơn. Và hơn hết, học là để lấy kiến thức đó để tu tập, để chuyển tải đạo lý cho tha nhân để giáo hóa mọi người chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc.

Chính vì hiểu rõ về lý tưởng sống của người xuất sĩ mà Thượng tọa đã miệt mài thực hiện hạnh nguyện hoằng pháp độ sanh sau khi tiếp nhận bắng Tiến sĩ trở về. Không chỉ đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trọng nước như làm Thư ký Ban Phật giáo Quốc tế cho Viện NCPGVN, thư ký Ban Phật giáo Quốc tế của HĐTS GHPGVN, là giảng viên của HVPGVN tại TP.HCM, là giảng sư của nhiều đạo tràng, nhiều khóa tu dành cho mọi lứa tuổi. Thượng tọa còn tham gia giảng dạy cho quý Phật tử tại hải ngoại.

Mặc dù đã miệt mài hành hóa trên con đường tu và học của mình, nhưng Thượng tọa chưa bao giờ thấy điều đó là đủ, mỗi ngày, mỗi ngày đều phải cố gắng để tự chuyển hóa cho mình, cho những người bên cạnh mình và rộng hơn nữa là cho tha nhân. Chân dung của những nhà tu hành chân chính là sống và làm việc vì hạnh phúc, vì an lạc không chỉ cho mình mà cho cả chư thiên và loài người cùng chung hưởng. Thượng tọa đã có một quảng đời sống và làm việc đầy ý nghĩa, là tấm gương sáng để mọi người học, noi theo và thực tập.

Bình luận