CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Chùa Giác Ngộ: Khóa tu Tuổi Trẻ Hướng Phật lần thứ 14

Lứa tuổi nào chạm đến trạng thái thật sự của cô đơn nhiều nhất? Tuổi trẻ, Trung niên hay Lão niên? Nhưng bạn cũng nên biết cô đơn đâu phải lúc nào cũng tệ mà trái lại cô đơn như một thứ gia vị cuộc sống hay cũng cần phải trải nghiệm nó để nhìn lại chính mình. Còn nếu bạn coi cô đơn như một thứ thuốc độc cần lảng tránh thì cũng có rất nhiều cách để hóa giải chúng. Bạn hãy đến các khóa tu tại chùa Giác Ngộ nhé! Khóa tu “Tuổi trẻ hướng Phật’’ lần thứ 14 ngày 02-07-2017(9-06 Đinh Dậu) tại chùa Giác Ngộ TP. HCM đã hân hoan chào đón trên 500 bạn trẻ đã có mặt tại đây.

Như thường lệ, mở đầu chương trình là  thời khóa thiền do ĐĐ. Thích Ngộ Phương hướng dẫn để thân và tâm quân bình chuẩn bị tốt nhất cho một ngày tu tập.

Chương trình pháp thoại

Các bạn trẻ khóa tu được vinh dự cung đón ĐĐ. Thích Thiện Tuệ, Giảng viên trường Cao - Trung Phật học, trú xứ tại chùa An Lạc.

Thầy đã mang đến cho các tu sinh bài pháp thoai với chủ đề "Nỗi cô đơn và cách hóa giải" 

 

Đại đức đã đề cập bài pháp thoại với 3 nội dung chính: i) Cô đơn là gì; ii) Cô độc là gì; iii) phương pháp hóa giải nỗi cô đơn.

Mở đầu bài pháp thoại Đại đức đã nhắc đến một thời cho rằng lớp trẻ đi chùa sẽ bị quan niệm cho rằng là thất tình hay bị đổ nợ. Câu‘’Trẻ vui nhà, già vui chùa’’ đây là một câu nói giết chết đạo Phật mà phải đổi lại ‘’Trẻ vui chùa, già cũng vui chùa’’.

Cô đơn là một trạng thái tâm bơ vơ, lạc lõng không có điểm tựa, cô đơn là một trạng thái tâm đóng kín lại, có khi tự mình chủ quan đóng lại không thích tiếp chuyện với người khác. Cô đơn là đi giữa bao người mà không ai hiểu mình, trong tâm không có điểm tựa. Cô độc  là chỉ cho không gian này, vật chất này có một mình thì gọi là cô độc.

Đại đức cũng phân tích sự liên hệ giữa cô độc có đưa đến cô đơn hay không? Người bản lĩnh thích một mình không sợ hay ở một mình mà không cô đơn, trong đó có những người xuất gia.

Ngạn ngữ đã nói: "Trên thế gian, ai là người đau khổ nhất đó là người chẳng ai tin mình và đó là người mình chẳng tin ai". Ngược với người không cô đơn là người có tri kỷ. Tuổi trẻ cũng thường được gắn với nông nổi, tuổi trẻ bồng bột  nếu không khéo dễ để cho hoàn cảnh bên ngoài dẫn dắt dẫn đến đánh mất mình, dẫn đến mất hạnh phúc. Từ đó đóng khép tâm lại.

Trong phần quan trong nhất của bài pháp thoại đó là phương pháp hóa giải cô đơn, Đại đức đã đề cập đến 2 cách hóa giải:

i) Phải có một người để tâm sự: Bởi, khi đi hết đoạn đường với mình còn ai đi theo bên đời ta? Vợ, chồng, cha, mẹ, thầy, bạn …tất cả đều không phải mà chỉ có nghiệp (tội và phước) đi theo. Đừng để lòng mình nhốt lại trong cô đơn. Biết đến đức Phật tìm hiểu về cuộc đời của Ngài, đọc những trang Kinh, những câu nói sẽ là một cái phao cứu cuộc đời qua những cơn bão lũ. Nhờ nhìn vào trang kinh mới thấy mình bao lầm lỗi, nhờ nhìn vào trang Kinh mới thấy mình đã bỏ qua bao cơ hội, mới thấy một kiếp người có sáu căn đầy đủ, gặp được Phật pháp, gặp minh sư là may mắn. Làm gì thì làm cũng phải có một người tri kỷ, một người làm nơi nương tựa là người thầy, là người bạn. Người đó chính là đức Phật!

ii) Mở rộng lòng ra và trải tình yêu thương đến với tất cả: Sống để yêu thương nhiều người, để có mặt khắp nơi. Khi có mặt khắp nơi đem yêu thương đến cho nhiều người thì người đó sẽ không cô đơn. Khi phụng sự quên mình chính là điều hạnh phúc. Hoặc chỉ cần thay đổi quan niệm sống như tập thương người khác thay vì mong người khác thương mình. Sống theo tinh thần Phật dạy: Tri ân và bớt cầu phước báu… không phải giúp người để mong cầu đáp lại hay để nổi tiếng, thậm chí cũng không cầu phước báu mà đơn giản chỉ là những điều cần làm.

Sống phải có lý tưởng, phải có hoài bão, phải có ước mơ đừng có đi như một giọt nước chưa ra tới dòng sông thì đã bị bốc hơi mà hãy đi như một dòng sông để đi đến con đường giác ngộ.

Đó là đoạn kết của bài pháp thoại, cũng chính là lời nhắn nhủ  của Đại đức đến với các tu sinh.

Trong phần vấn đáp thắc mắc của các bạn trẻ với nội dung: Chúng con vừa tham dự kỳ thi đại học, đang lo lắng cho các kết quả trong vài ngày tới, không muốn tiếp xúc với ai và thật sự rất cô đơn, vậy làm cách nào để vượt qua? Người bạn tri kỷ chỉ trong một thời gian ngắn? Làm sao giữ được lửa nhiệt huyết trong tâm? Làm thế nào cô đơn không bao giờ tìm đến, không bao giờ cô đơn?

Các câu trả lời của Đại đức đã rất khéo, thông minh làm cho các bạn trẻ thấy thỏa đáng.

Bằng kiến thức và kinh nghiệm tu học giảng dạy trong những năm qua. Bài pháp thoại đã được Đại đức phân tích, chứng minh bằng các câu chuyện, vần thơ, những thành ngữ hay lời ca vừa dí dỏm, đơn giản, mộc mạc, dễ hiểu, đôi lúc rất vui nhộn nhưng lại vô cùng sâu sắc làm cho các bạn trẻ không ngớt tiếng cười và những tràng vỗ tay hưởng ứng.

Ban nhạc Diệu âm đã hướng dẫn cho các tu sinh những bản nhạc Nguyện Hương với kỳ vọng cho những ai chưa thuộc Kinh  thì thông qua tiếng hát sẽ nhanh thuộc Kinh hơn. Sau đó là thời tụng Kinh ‘’ Báo hiếu công ơn cha mẹ’’ đã kết thúc phần tu tập buổi sáng.

Chương trình: “Gương sáng’’

Đến với chương trình‘’Gương sáng’’ là một  tên tuổi rất thân quen và nổi tiếng với  truyền thông Phật giáo đó là nhà báo Cư sĩ Minh Mẫn, với nhiều bài viết sâu sát với thực tế, mang tính giải pháp, hướng về hoằng pháp & giáo dục, giúp giới trẻ và giới tri thức hiểu đúng về giáo lý Phật-đà, v.v...

 

 Mặc dù có cha mẹ, nhưng từ rất nhỏ ông lớn lên lại nương nhờ vào các mái chùa, không được học hành, mãi đến năm  1963 mới xin đi học, nhưng lại không có tiền đóng học phí. Ông sống bằng nghề chở hàng mướn … cuối cùng ông chọn con đường phụng sự cho Phật pháp đó là cầm bút viết.

Ông bảo, ông không biết viết văn từ bao giờ, chỉ biết lần đầu tiên ông viết là thơ từ giã cha mẹ để dưới bình sữa của đứa em.

Ông luôn luôn viết về mặt trái (phản biện). Theo ông, đối với một bài báo bao giờ cũng có người đồng thuận, cũng có người khó chịu. Nhưng quan trọng là làm bằng một tấm lòng xây dựng chứ không phải là phá. Đó là bảo vệ Phật pháp, xây dựng đất nước.

Là một người đã đi qua mảng truyền thông, ông đã nêu ra các khó khăn trong truyền thông nói chung và truyền thông Phật giáo nói riêng đó là cả một kỹ thuật và một nghệ thuật để viết một bài báo. Đối với bài báo viết về Phật pháp đòi hỏi phải trình bày chặt chẽ, có đối chứng có lý luận… Nghệ thuật thì không có nguyên tắc cố định, không ai dạy mà phải rèn luyện. Người cầm bút Phật giáo phải hiểu sâu về Giáo lý, về Hiến chương, về đời sống nơi Tăng bảo và nhất là phải có tâm. Làm bằng cái tâm có nghệ thuật, với ngòi bút sắc bén, một tinh thần thép và với tâm phụng sự thì mới thành công.

Ông luôn phải tự xét lại mình và luôn tự hỏi mình có sân hận không? Trả lời câu hỏi của MC. Xuân Hiếu về sự nổi tiếng của mình và tự hào về nghề cầm bút cho truyền thông Phật giáo. Ông nói:‘’Tự hào về cầm bút cho truyền thông Phật giáo thì không nên’’. Đương nhiên người cầm bút bên Phật giáo cũng có nhiều  nỗi niềm, khó khăn và trăn trở.

Người cầm bút trong truyền thông Phật giáo cũng được gọi là nhà hoằng pháp là những cánh tay nối dài của các chư Tăng Ni đến với độc giả, đến với các quý vị Phật tử. Cư sĩ Minh Mẫn đã đưa vào các tác phẩm của mình những lời dạy của đức Phật để đến gần hơn với độc giả. Có khi cũng một vấn đề nhưng nhìn nó ở từng góc độ, khi là  tâm trung thực, tâm hỷ xả hay tâm uế tạp thì nó sẽ khác nhau. Sự thật thì hay mất lòng, nhưng không vì thế mà tránh né vấn đề, người cầm bút phải nói thật nhưng cách nói như thế nào để người ta chấp nhận được. Đó là cái khó của người cầm bút cũng như của người truyền thông Phật giáo.

Truyền thông vốn là con dao 2 lưỡi, đối với sự vật này thì phản ánh đúng nhưng đôi khi lại có những phản ứng trái chiều khác nhau, khi đứng dưới góc độ và năng kính góc nhìn Phật giáo, ông đã có cách giải quyết hài hòa cư xử như với vị thầy trong sự việc.

Báo chí được ví như quyền lực thứ 4, nhưng theo ông người làm báo phải là người trung thực để nói nên việc xây dựng xã hội. Là người Phật tử phải có pháp hành, pháp tu chứ không phải là người Phật tử chỉ có ăn chay là đủ. Pháp hành là trở lại với chính mình. Pháp tu vẫn là áo giáp để che cho chúng ta dù là bất cứ nghề gì.

Cùng đến với ông trong chương trình này còn có nhà thơ Huỳnh Linh Tử người bạn rất thân của Cư sĩ Minh mẫn. Ông cũng đã có đôi lời nói về Cư sĩ Minh Mẫn một người bạn rất thân theo tinh thần Phật giáo mới có một tình bạn đến như vậy.

Kết thúc buổi chia sẻ Cư sĩ Minh mẫn đã kể một câu chuyện ngụ ngôn lồng ghép ý nghĩa sâu sắc qua câu chuyện để chia sẻ đến với tu sinh.

Một ngày có mặt  tham dự: ‘’Khóa tu tuổi trẻ hướng Phật ’’ các bạn đã thật hạnh phúc khi biết đến Phật pháp từ tuổi còn trẻ!

Xin tạm biệt và rất mong được gặp lại các bạn trẻ vào khóa tu ‘Tuổi trẻ Hướng Phật’ Kỳ 15: 30-07-2017(08-06 Đinh Dậu); Khóa tu ‘Ngày an lạc’ 23: 09-07-2017(16-06 Đinh Dậu); Khóa tu Thiền Kỳ 6: 16-07-2017(23-06 Đinh Dậu).

Bình luận