CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Chương trình Phật học tại Việt Nam và trên thế giới

Chương trình Phật học tại Việt Nam và trên thế giới
Tác giả: 
Thích Nhật Từ
Nhà xuất bản: 
Nhà xuất bản Hồng Đức
Năm xuất bản: 
2019
ISBN: 
978-604-89-3604-4
Danh mục: 
Sách do Thích Nhật Từ biên tập

Một trong bốn diễn đàn chính của Hội thảo học thuật “Phật học Việt Nam thời hiện đại: Bản chất, hội nhập và phát triển” là diễn đàn “Chương trình Phật học tại Việt Nam và trên thế giới” nhằm kỷ niệm 35 năm thành lập HVPGVN tại TP. HCM diễn ra trong ba ngày 6-8/11/2019.

Các tác giả trong diễn đàn này là một số giảng viên HVPGVN tại Tp.HCM và còn lại là các sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang du học tại 11 nước, đã hoan hỷ đóng góp bài tham luận theo “đơn đặt hàng” của tôi.

Đây là diễn đàn đầu tiên về chủ đề so sánh chương trình Phật học tại Việt Nam và 11 nước và khu vực tiêu biểu trên thế giới bao gồm Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Tây Tạng, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Canada, vương quốc Anh và Pháp. Các nước nêu trên gồm ba trường phái Phật giáo: Nam truyền, Bắc truyền và Mật tông. Bên cạnh đó còn có các quốc gia ở phương Tây mới tiếp nhận đạo Phật từ hậu bán thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX nhưng lại có khoa Phật học hoặc bộ môn Phật học ở các trường Đại học nổi tiếng thế giới. Đây là điều đáng trân trọng.

Với 12 quốc gia và khoảng 100 trường Đại học cũng như Phật học viện đào tạo Phật học, dù không đại diện toàn bộ 5 Châu lục và gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tuyển tập này đã khắc họa bức tranh khái quát không chỉ về khoa Phật học hay chuyên ngành Phật học tại các nước phương Tây gồm châu Âu, châu Mỹ, châu Úc và đặc biệt châu Á, cái nôi của Phật giáo, còn cung cấp cho độc giả những thông tin bổ ích về lịch sử Phật giáo tại 11 nước ngoài Việt Nam.

Về nền Phật học Việt Nam, tuyển tập này giới thiệu ba bài nghiên cứu tiêu biểu. HT. Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN, trong bài “Giáo dục Phật giáo: Sự kế thừa và phát triển” đã khái quát nền giáo dục Phật giáo tại Việt Nam trong thế kỷ XX gắn liền với phong trào chấn hưng Phật giáo tại nước nhà. Với vai trò lãnh đạo cao nhất của GHPGVN, Hòa thượng kêu gọi 4 Học viện, 9 trường Cao đẳng và 35 trường Trung cấp Phật học trên toàn quốc cần cải cách hơn nữa để một mặt giúp nền Phật học Việt Nam có tính thứ tự và tính sư phạm, mặt khác góp phần hội nhập, tương tác và phát triển Phật học trong khu vực và trên thế giới.

TT. Thích Nhật Từ, Phó Ban Giáo dục Phật giáo GHPGVN, đề xuất “Cải cách toàn diện giáo dục Phật giáo Việt Nam” như một nhu cầu tất yếu. Cần thống nhất hệ thống giáo dục Phật giáo từ hệ giáo dục phổ cập, hệ giáo dục cơ bản Phật học, hệ giáo dục Cao đẳng và Đại học Phật giáo. Cần thống nhất giáo án cho từng cấp học tại 35 trường Trung cấp Phật học, 9 trường Cao đẳng Phật học. Riêng 4 HVPGVN trên toàn quốc cần tính đa dạng và tự chủ nội dung đào tạo để tạo bản sắc riêng. Ngoài thân giáo, các giảng viên Phật học phải là những tấm gương mô phạm, giảng bài mang tính sư phạm, nội dung phải khế lý và khế cơ, sáng tạo trong cách giảng dạy nhằm giúp các Tăng Ni sinh thành tựu quá trình tự giáo dục, hướng đến sự hoàn thiện trí tuệ, đạo đức và thiền định.

Bài “Vai trò giáo dục Phật giáo ở Việt Nam và trên thế giới” của ĐĐ. Thích Thiện Huy giới thiệu một cách tổng quan mô hình giáo dục Phật giáo của HVPGVN tại Tp.HCM và một số nước trên thế giới. Các gợi mở của tác giả trong bài này kêu gọi các nhà nghiên cứu so sánh và phản biện nhằm tìm ra hướng đi cho sự hoàn thiện chương trình tu học Phật tại các trường Đại học có ngành Phật học và các HVPGVN có mô hình học Phật nội trú tại Việt Nam.

Về Ấn Độ, khởi nguyên của đạo Phật, có 4 bài nghiên cứu. Sư cô Diệu Nga qua bài “Chương trình Thạc sĩ Phật học của Đại học Nava Nalanda Mahavira và Đại học Nalanda, Rajgir” đã so sánh chương trình Phật học của 2 trường Đại học cùng mang tên Nalanda, chỉ cách nhau 15 cây số, với những điểm dị biệt trong chương trình học, thể hiện sở trường riêng của mỗi trường về ngành Phật học. Nếu trường Đại học đầu là nơi các cao Tăng Việt Nam tốt nghiệp như Đại sư Minh Châu, Thiện Châu, Huyền Vi tốt nghiệp thì trường Đại học sau có hơn 20 Tăng Ni Việt Nam đang theo học.

TS. Phương Anh Đạt trong bài “Trường Đại học Gautam Buddha: Điểm nhấn trong nền Phật học Ấn Độ” giới thiệu công lao của bà Mayawati thống đốc bang Uttar Pradesh bốn nhiệm kỳ xây dựng trường Đại học mang tên đức Phật. Chương trình Phật học tại đây rất phong phú, với đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm thâm niên, Campus thoáng rộng, ký túc xá thuận lợi, thư viện đầy đủ sách Phật học, thiền đường lớn thuận lợi cho việc tu. Hiện có khoảng 80 Tăng Ni Việt Nam tu học nội trú bên cạnh sinh viên của nhiều nước khác.

ĐĐ. Nguyên Thế trong bài “Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Đại thừa của trường Đại học Acharya Nagarjuna” khẳng định rằng đây là điểm đến thuận lợi cho Tăng Ni sinh Việt Nam. Ngoài việc đào tạo chuyên sâu về Đại thừa, Trung tâm này còn nghiên cứu so sánh văn hóa Phật giáo ở các nước cũng như so sánh tư tưởng Phật học giữa các trường phái Phật giáo khác nhau.

Bài viết “Khái quát khoa Phật học của Đại học Sanchi” của ĐĐ. Thích Giác Lâm, ngoài việc giới thiệu chương trình Phật học đặc thù tại đây, còn khái quát kiến trúc của bảo tháp Sanchi, biểu tượng của nền mỹ thuật Phật giáo Ấn Độ. Trường này có cơ sở hạ tầng tốt, thư viện có nhiều sách, có ký túc xá cho sinh viên nước ngoài, các giảng viên rất tận tình.

Về nước Tích Lan, nơi tiếp nhận đạo Phật 23 thế kỷ trước, có nền Phật học vững mạnh. Như tựa đề của bài viết “Chương trình Pāli và Phật học bậc Đại học và sau Đại học tại Sri Lanka”, ĐĐ. Thích Đồng Tâm đã khái quát nền Phật học tiên tiến của nước này, đối chiếu chương trình đào tạo của hai trường Đại học lớn gồm Đại học Kelaniya và Học viện Phật giáo quốc tế Sri Lanka (SIBA). Hiện có khoảng 70 Tăng Ni Việt Nam đang tu học tại Sri Lanka.

Trong hướng nghiên cứu so sánh giữa Việt Nam và Sri Lanka, ĐĐ. Thích Thanh An trong bài “Từ giáo dục Phật giáo của Sri Lanka đến hướng phát triển giáo dục Phật giáo tại Việt Nam” nêu bật được những điểm mạnh về Phật học của hai nước, vì cả hai đều bắt đầu giáo dục Phật giáo từ giáo dục tự viện (Pirivena) đến giáo dục trường (Vidya) và nay là giáo dục Đại học (University). Các điểm chính trong bài viết bao gồm chính sách giáo dục, mô hình đào tạo, kỹ năng quản lý, sự phân chia khoa, ngành, bộ môn… giúp

độc giả hiểu sâu về bản sắc Phật học của hai nước.

Về nền Phật học Miến Điện, bài viết “Đánh giá về giáo dục Phật giáo” của TS. Cho Cho Aung do Ni sư Huyền Tâm dịch chủ yếu giới thiệu chương trình Phật học của Đại học Phật giáo Nguyên thủy quốc tế tại Miến Điện. Đang khi, bài nghiên cứu “Giáo dục Phật giáo Myanmar: Lịch sử và hiện trạng” của sư cô Diệu Hiếu không chỉ khái quát lịch sử Phật học tại nước Phật giáo Nam truyền này, còn giới thiệu chương trình đào tạo giảng sư (Dhammācariya), kỳ thi Tam tạng Thánh điển Pāli, một số trường Đại học Phật giáo, nhấn mạnh trường Đại học quốc tế hoằng truyền Phật giáo Nguyên thủy (ITBMU) nơi tác giả tốt nghiệp Tiến sĩ Thiền học Phật giáo.

Về Phật học tại Trung Quốc, có 6 bài nghiên cứu do các giảng viên khoa Trung văn của HVPGVN tại Tp.HCM viết. Bao quát nhất là bài “Hệ thống Phật học viện và các trường Phật học Trung Quốc” do tập thể các giảng viên khoa Trung văn giới thiệu về hai hệ thống Phật học viện đào tạo nội trú và trường Phật học Trung Quốc đào tạo ngoại trú; một bên theo mô hình truyền thống, đang khi bên còn lại theo mô hình giáo dục hiện đại.

Cùng với hướng nghiên cứu “Hệ thống Phật học viện tại Trung Quốc ngày nay”, Ni sư Tuệ Liên, Phó khoa Trung văn, đã khái quát 20 Phật học viện tiêu biểu tại đất nước Phật giáo Đại thừa quan trọng nhất này, cung cấp các thông tin bổ ích cho Tăng Ni Việt Nam thích theo học khoa Phật học bằng tiếng Trung.

Bài viết “Chương trình Phật học sau Đại học tại Đại học Nam Kinh” của sư cô Tịnh Hoa không chỉ giới thiệu chương trình Phật học mà còn khái quát chương trình khoa triết học và chuyên ngành Tôn giáo học. Qua đó cho thấy xu hướng nghiên cứu Phật học tại một trường Đại học thuộc hệ thống công lập của Trung Quốc.

Sư cô Huệ Trang trong bài “Giáo dục Phật giáo Trung Quốc thời cận hiện đại” giới thiệu chương trình cải cách giáo dục nói chung và chương trình Phật học nói riêng tại Trung Quốc trong 5 thập niên trở lại đây. Bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của đa văn và giác ngộ mà người tu học Phật cần uyển chuyển vận dụng trong cuộc sống để phụng sự nhân sinh hiệu quả hơn.

Như tựa đề của bài viết “Phổ Đà Sơn, cái nôi giáo dục Tăng tài”, ĐĐ. Thích Nguyên Tú giới thiệu lịch sử và ảnh hưởng to lớn của núi Phổ Đà đối với Phật giáo Trung Quốc. Đồng thời khẳng định mấy trăm năm đào tạo Tăng tài tại Trung tâm Phật học nổi tiếng này, góp phần phát triển Phật giáo Trung Quốc qua con đường giáo dục.

ĐĐ. Thích Quảng Lạc trong bài “Sự hình thành và phát triển giáo dục của Học viện Phật giáo Trung Quốc” cho thấy tầm quan trọng của giáo dục Phật giáo tại thủ đô Bắc Kinh. Đồng thời, tác giả giới thiệu hệ thống Campus, cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục, thư viện đẳng cấp và chương trình Phật học từ Cử nhân đến Tiến sĩ của trường này.

Về nền Phật học tại Đài Loan có 5 bài nghiên cứu của các giảng viên khoa Trung văn, HVPGVN tại TP.HCM. ĐĐ. Thích Vạn Lợi đã giới thiệu “Khái quát 7 trường Đại học Phật giáo tại Đài Loan” gồm Học viện Pháp cổ, Đại học Hoa Phạm, Đại học Phật Quang, Đại học Huyền Trang, Đại học Từ Tế, Đại học Khoa học Kỹ thuật Từ Tế và Đại học Nam Hoa. Bài viết cung cấp cái nhìn về nền giáo dục Phật học rất tiên tiến và hiện đại của Phật giáo Đài Loan trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa mà các nước trong khu vực cần tham khảo.

Sư cô Tuệ Bổn trong bài “Giáo dục Phật giáo của Đài Loan” giới thiệu khái quát 7 thập niên hình thành và phát triển Phật học tại Đài Loan gồm hệ thống hóa giáo dục Phật học viện, học viện hóa giáo dục kết hợp với Tăng đoàn giáo dục và sự hiện đại hóa giáo dục tự viện, bên cạnh việc đánh giá các tồn đọng của giáo dục Phật học tại Đài Loan.

Ni sư Như Nguyệt, Phó khoa Trung văn, trong bài so sánh “Chương trình Phật học của HVPGVN tại TP.HCM và trường Đại học Phật Quang, Đài Loan” làm nổi bật các tương đồng và dị biệt về mục tiêu đào tạo, thành phần giảng viên, cơ sở hạ tầng, chương trình đào tạo, công tác sinh viên, phương tiện học tập, kiểm tra, đánh giá chất lượng, sinh hoạt nội trú và học phí giữa hai trường.

ĐĐ. Thích Vạn Lợi trong bài nghiên cứu về Đại học Pháp cổ, Đài Loan đã giới thiệu “Ba đại giáo dục và mục tiêu giảng dạy” của trường này dựa vào tác phẩm “Chia sẻ kinh nghiệm học Phật”. Ba đại giáo dục gồm: (i) Đào tạo nhân tài đủ năng lực nghiên cứu, giảng dạy, hoằng pháp, phục vụ chuyên ngành, (ii) Kết hợp lý luận và thành quả của giáo dục nhằm xây dựng xã hội và phát triển Phật giáo, (iii) Nhập thế bảo vệ 4 loại môi trường gồm tâm linh, sinh hoạt, lễ nghi và thiên nhiên.

Về “Phật học tại Học viện Tịnh Giác tại Đài Loan”, Sư cô Phước Tường giới thiệu hai hệ thống giáo dục. Thứ nhất, hệ thống Phật học viện và thứ hai, hệ thống phân hiệu trực thuộc trường đại học Mahachulalongkorn, Thái Lan. Cả hai hệ thống đều đào tạo chương trình cử nhân và thạc sĩ Phật học, đáp ứng nguyện vọng tu học của Tăng Ni quốc tế.

Về nền Phật học Tây Tạng, sư cô Nhật Hạnh, thông dịch viên của đức Dalai Lama 14 cho cộng đồng Việt Nam, trình bày qua bài “Tổng quan về giáo dục Phật giáo Tây Tạng” từ thế kỷ VIII đến nay. Chương trình Phật học của bốn trường phái Tây Tạng như Nyingma, Kagyu, Sakya và Gelug đều giảng dạy năm bộ luận lớn gồm: Ba la mật, Trung quán, Lượng luận, A-tì-đạt-ma Câu-xá luận và giới luật với thời gian học từ 9-26 năm. Bài viết cung cấp các thông tin bổ ích theo đó Tăng Ni Việt Nam có thể chọn lựa chương trình Phật học cho chính mình.

Như tựa đề bài viết “Giáo dục Tăng Ni của tông Tào Khê, Hàn Quốc” Sư cô Giác Lệ Hiếu, nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Dongguk, đã trình bày thực trạng và các giải pháp cho nền giáo dục Phật học của tông này. Dầu trải qua 50 năm cải cách giáo dục, Phật giáo Hàn Quốc nói chung, tông Tào Khê nói riêng đang gặp phải tình trạng Phật tử Hàn Quốc bỏ đạo đi theo đạo Tin Lành và đạo Thiên Chúa.

Về Phật học tại Hoa Kỳ, ĐĐ. Thích Thiện Trí, Giảng viên về Thiền học tại một số Đại học Hoa Kỳ, giới thiệu “Phật giáo ảnh hưởng đến đời sống và học đường tại Hoa Kỳ”. Qua đó, giúp độc giả thấy được xu thế tự cải đạo của người phương Tây đi theo đạo Phật thông qua sự giác ngộ chân lý và thực tập thiền định Phật giáo, vốn vượt lên trên các tính lý của các tôn giáo phương Tây.

Chi tiết và cụ thể hơn, ĐĐ. Chân Pháp Cẩn trong bài viết “Phật học tại Hoa Kỳ” giới thiệu số lượng các trường Đại học có khoa Phật học, chương trình đào tạo, chuyên ngành đào tạo, các cấp đào tạo, các ngôn ngữ mạnh, xu hướng hợp tác, giáo trình, học phí và tính quốc tế trong sự so sánh với HVPGVN tại TP.HCM. Qua đó tác giả góp ý chân thành nhằm phát triển nền Phật học tại Việt Nam.

Trong bài khái quát “Phật học tại Canada và Australia”, ĐĐ. Chân Pháp Cẩn giới thiệu số lượng các trường có khoa Phật học, chương trình đào tạo, học phí và học bổng và chất lượng đào tạo. Tác giả điểm qua các tạp chí Phật học tiêu biểu của hai nước này cũng như các học giả lỗi lạc, đóng góp cho nền Phật học tại phương Tây.

Về vương quốc Anh, nơi Phật giáo được biết sớm hơn các nước châu Âu còn lại từ thế kỷ XIX, TT. Thích Đồng Thành, Hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học Bình Định, giới thiệu “Giáo dục Phật giáo tại Anh quốc”. Không chỉ có nhiều nhà nghiên cứu Phật học lỗi lạc, Phật giáo Anh quốc còn có các hội Phật học quy mô, chương trình Phật học tiêu chuẩn, góp phần phát triển Phật giáo cho thế giới phương Tây.

ĐĐ. Thích Đồng Tâm, giảng viên trường Phật học SIBA, Tích Lan qua bài “Giáo dục Phật giáo vương quốc Anh” đã khái quát lịch sử Phật giáo Anh, các trung tâm Phật giáo quan trọng, Hội thánh điển Pāli. Về chương trình Phật học tại Anh, tác giả giới thiệu 15 trường Đại học có khoa Phật học, nổi tiếng nhất là trường Đại học Oxford và Cambridge. Qua đó, giúp sinh viên Việt Nam có thể lựachọn các trường Đại học thích hợp khi theo học Phật học tại nước này.

ĐĐ. Thích Thanh An trong bài “Tình hình nghiên cứu Phật học tại Đức” đã giới thiệu các học giả nổi tiếng, các công trình nghiên cứu đồ sộ về khảo cổ học, Ấn Độ học, triết học Phật giáo, tiếng Sanskrit, tiếng Pāli, các từ điển Phật học nổi tiếng Thánh điển Phật giáo bằng tiếng Đức và xu thế Phật giáo tại nước này góp phần giúp người châu Âu và cộng đồng phương Tây hiểu và đến với đạo Phật.

Trong bài “Tổng quan tình hình Phật giáo và nghiên cứu Phật học tại Pháp” ĐĐ. Thích Thông Giác cung cấp bức tranh bao quát về Phật giáo Pháp gồm các hội Phật giáo, các trường phái Phật giáo, các tự viện Phật giáo, các trường Đại học có ngành Phật học cũng như cộng đồng Việt Nam và các cộng đồng di dân truyền bá đạo Phật tại đất nước nổi tiếng bậc nhất về văn minh trên thế giới. Qua đó cho thấy người phương Tây tìm về Phật giáo như giải pháp trị liệu nỗi khổ, niềm đau.

***

Thông qua tuyển tập này, giới học giả Phật giáo cũng như Tăng Ni và Phật tử trong nước có thể so sánh Phật giáo Việt Nam và chương trình học Phật tại Việt Nam với Phật giáo ở 11 quốc gia và khu vực và các trường Đại học có khoa hoặc chuyên ngành Phật học hay các Học viện Phật giáo tại những nước này.

Sự so sánh đối chiếu mang tính phản biện sẽ giúp cho các trường Phật học tại Việt Nam nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung, rút ra những bài học kinh nghiệm hữu ích nhằm phát triển hơn nữa Phật giáo Việt Nam cũng như đưa nền Phật học Việt Nam lên đẳng cấp toàn cầu.

HVPGVN, Cơ sở Lê Minh Xuân, ngày 18-11-19

TT. Thích Nhật Từ

Bình luận